Nước mắt mùa đông

Australia (Ôxtrâylia) đang co ro trong mùa đông lạnh giá. Trong gió tuyết, người ta đã chứng kiến một sự kiện mang đầy hơi ấm, với ngọn lửa của tình người, với trái tim dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, với những giọt nước mắt ươm mầm cho hạt giống yêu thương của toàn nhân loại.


Có thể cảm nhận điều đó trong cuộc triển lãm tranh quốc tế về nạn nhân chất độc da cam đang diễn ra tại Sydney, một cuộc triển lãm nói nhiều hơn kể.

 

Góc ảnh của nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh tại triển lãm.

 

Ngay tới ban tổ chức là hội Công lý cho nạn nhân chất độc da cam (AOJ), thuộc Hiệp hội Hữu nghị Australia, cũng phải ngạc nhiên vì sức hút của cuộc triển lãm “Nghệ thuật cho trẻ em vô tội” đối với công chúng.


Trong tối khai mạc triển lãm, hàng trăm khách mời và khách tham quan đã tới để sẻ chia nỗi đau da cam với hàng triệu triệu nạn nhân. Có người bảo đã biết đến chất độc chết người này và chưa thể quên những ký ức hãi hùng về nó. Có người nói chưa từng biết đến chất độc da cam, nhưng họ hiểu rõ tác hại của loại chất độc này vì hậu quả của nó vẫn còn đang hiển hiện.

 

Giữa mùa đông Sydney, tình yêu thương tỏa sáng. Bà Phạm Tường Vi - đại diện ban tổ chức - không dấu nổi vẻ xúc động khi dãi bày với chúng tôi rằng bà không ngờ tình thương của nhân loại dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lại tràn trề như vậy.


Ngay từ khi nêu ý tưởng triển lãm, AOJ đã nhận được sự ủng hộ của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney cùng các cơ quan đại diện Việt Nam khác tại Sydney.


Đặc biệt, Thống đốc bang New South Wales, bà Marie Bashir, cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới Việt Nam, nhận lời mời đến khai mạc cuộc triển lãm. Và đặc biệt hơn nữa là tấm lòng của hơn 80 nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam và Australia.


Họ đã gửi trên dưới 100 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm đã đạt các giải thưởng lớn, tới triển lãm để trưng bày và bán đấu giá nhằm gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Đến phòng triển lãm nghệ thuật Mori đắt giá tại Sydney cũng miễn phí thuê địa điểm cho ban tổ chức.

 

Bấy nhiêu sự quan tâm, ủng hộ, khích lệ và đóng góp đó đã tạo ra một cuộc triển lãm nói nhiều hơn kể. Mỗi bức tranh là một nét phác họa hình ảnh nạn nhân chất độc da cam/dioxin theo phong cách riêng, nhưng hầu hết đều khiến người xem rơi nước mắt. Các bức tranh chua chát giải thích với người xem rằng chất độc da cam ảnh hưởng tới bất kỳ ai tiếp xúc với nó, kể cả người đi reo rắc nó.


Tôi không thể quên hình ảnh một ông lão lặng lẽ xem tranh, lặng lẽ đến bên tôi, thì thầm: Tôi cũng là nạn nhân, và con tôi đã không thể thành người...

 

Còn rất nhiều những ngón tay đưa lên gạt những dòng nước mắt. Nhiều khách tham quan tròn mắt xem tranh, rồi nhăn mặt hỏi điều gì đó với người bên cạnh, rồi đứng lặng...


Nước mắt lăn trên khuôn mặt những người tham dự ngay lúc Tổng Lãnh sự Mai Phước Dũng tâm sự về số phận của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Nước mắt vỡ òa khi nạn nhân chất độc da cam dioxin thế hệ thứ hai ở Australia Kate Mulvany lên tiếng.

 

Kate Mulvany phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm.

 

Ai biết được rằng Kate đã từng có những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ bên người cha bị nhiễm chất độc da cam, và cha cô vẫn may mắn khi có cô ở bên. Còn cô, mang lại một tuổi thơ đẹp đẽ cho những đứa con ngoan giờ đây là điều không thể.


Di chứng của chất độc da cam đã được truyền sang cô cướp đi vĩnh viễn khả năng làm mẹ, một thiên chức mà lẽ ra cô phải được hưởng. Nhưng với Kate, việc không bị dị tật như các nạn nhân khác đã là điều may mắn.


Giống như nhiều nạn nhân chất độc da cam khác, Kate đã vượt lên số phận để trở thành một nghệ sỹ. Vở kịch “Hạt giống” mà cô là nhân vật chính trên sân khấu và cả ở đời thường đã mang lại cho cô một giải thưởng. Hạt giống đó chính là cô- con gái của một cựu chiến binh Australia tham chiến tại Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, là cuộc đời của một người sống sót.

 

Lời kết

Tôi rất vui mừng khi tham dự cuộc triển lãm, nhưng cũng buồn. Tôi vẫn đang phải đấu tranh chống lại những di chứng của chất độc da cam, song tôi thấy vui vì mọi người đang lắng nghe, chia sẻ và ủng hộ cho các nạn nhân và người sống sót từ chất độc da cam. Chiến tranh chưa chấm dứt ngay cả khi những người lính đã trở về. Hậu quả của nó tiếp tục xảy ra với vợ, con và cháu của họ. Chúng ta cần động viên những người này bằng tình thương và sự tôn trọng. Chúng tôi là những người sống sót.

 

Xin dùng tâm sự của Kate với chúng tôi thay cho lời kết của những giọt nước mắt. Nỗi đau da cam là nỗi đau xuyên thế hệ, nhưng nỗi đau sẽ vơi đi khi chúng ta biết sẻ chia. Biểu tượng hành tinh của chúng ta mang màu xanh, và màu vàng không phải tượng trưng cho sự chết chóc!

 

 

Đỗ Vân (P/v TTXVN tại Australia)

Chất độc da cam, cuộc chiến với số phận nghiệt ngã

Mọi cuộc chiến tranh từ xưa đến nay của nhân loại đều để lại những hậu quả nghiêm trọng với đời sống con người. Nhưng chắc chắn không có gì để lại nỗi đau dai dẳng, âm ỉ và độc ác với con người như chất độc màu da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam từ năm 1961.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN