Cơ duyên với tiếng Việt
Tuy không được đào tạo bài bản về sư phạm, nhưng cô Bích Hường luôn rất tâm huyết với việc giảng dạy tiếng Việt. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, cô Hường cho biết cô bắt đầu dạy tiếng Việt từ năm 2005 tại Brazil, khi làm Giám đốc các dự án hợp tác Italy-Brazil. Từ đó, cô bắt đầu nghiên cứu cách giảng dạy tiếng Việt.
Là người đã học nhiều ngoại ngữ như tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Italy, tiếng Anh, cô đã quay lại học tập và giảng dạy tiếng Việt như người con được quay trở lại với đất mẹ, quay trở lại cội nguồn. Cô nói: “Khi trở về Italy, tôi đã dạy tiếng Việt cho Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italy–Việt Nam, như một giáo viên tình nguyện. Đến năm 2018, tôi được tuyển vào trường Đại học Cà Foscari tại Venezia làm giáo viên thực hành tiếng. Tôi và thầy Trưởng Bộ môn, Phó Giáo sư Richard (Quang Anh Tran) đã cùng nhau hợp lực để tạo nên một bộ môn rất mới của trường Đại học Cà Foscari, mặc dù trường đã có một khoa châu Á rất lâu năm. Tôi cũng rất may mắn là được dạy các em sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ ba và năm nay khóa sinh viên đầu tiên của chúng tôi sẽ ra trường”.
Khó khăn và thử thách
Nhờ niềm tin rằng tiếng Việt có thể giúp các em sinh viên Italy hiểu hơn về Việt Nam nên tuy nhà ở tại thành phố Bologna, cách trường Đại học Cà Foscari khoảng 150 km, cô Bích Hường vẫn ngày ngày vượt qua quãng đường trên, “gió mặc gió, mưa mặc mưa”, để thắp lên ngọn lửa tình yêu đối với ngôn ngữ và văn hóa Việt cho các em.
Tiếng Việt là một ngôn ngữ rất khó đối với người nước ngoài nói chung và người Italy nói riêng. Bộ môn tiếng Việt của trường Đại học Cà Foscari chỉ mới được thành lập năm 2019 và cô Hường đã phải tự mày mò rất nhiều vì giáo trình dạy tiếng Việt của trường chỉ có bằng tiếng Anh chứ chưa có bằng tiếng Italy. Trong khi đó, kết quả học tập của sinh viên là nhân tố quyết định sự sống còn của bộ môn.
Cô đã bỏ ra nhiều thời gian để soạn bài, tham khảo nhiều sách dạy tiếng Việt và dịch ra tiếng Italy. Cô Bích Hường trải lòng: "So với các nước ở châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc thì Việt Nam chưa được biết đến nhiều tại Italy. Việc giảng dạy tiếng Việt tại trường đại học giúp cho sinh viên, cũng như người dân Italy biết nhiều hơn về Việt Nam vì ngôn ngữ là một công cụ có thể truyền tải, mở cánh cửa để hiểu biết các nền văn hóa khác nhau. Và từ 3 năm nay, tôi cùng thầy Richard đã cố gắng hết sức để làm cho bộ môn tiếng Việt được các em biết đến”.
Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp “trồng người” tại Đại học Cà Foscari, cô Hường luôn nỗ lực để bồi đắp cho sinh viên niềm say mê, thích thú với bộ môn tiếng Việt. Điều khó khăn nhất đối với các em là tiếng Việt có nhiều thanh điệu. Để giúp các em vượt qua thử thách này, cô đã tìm ra phương pháp sử dụng âm nhạc và các nhạc cụ dân tộc Việt Nam để giúp các em có thể hình dung ra được cao độ, trường độ của 6 thanh điệu một cách dễ dàng hơn và phương pháp này đã được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao.
Cô Bích Hường cũng khuyến khích các em viết nhiều bài luận tiếng Việt để các em có thể thực hành các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng đã học. Theo cô, các em sinh viên Italy rất ham học tập và nghiên cứu, đọc rất nhiều sách. Có thể việc phát âm của các em chưa được chuẩn do thời gian học vẫn còn ít, nhưng các em đã hiểu biết về tiếng Việt và văn hóa Việt thông qua những nghiên cứu khá sâu rộng về quan họ Bắc Ninh, chèo, cải lương, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Bính.
Trong khi dạy học, cô Hường luôn nỗ lực để các bài giảng thêm sinh động bằng nhiều hình thức khác nhau, truyền cảm hứng cho các em để các em tự mày mò, tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam bên ngoài sách giáo khoa. Cô nói: "Các em được học hát những làn điệu dân ca, được đóng kịch, gặp những ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Trong lớp của tôi, thời gian ngoại khóa còn nhiều hơn cả các giờ học chính thức. Vì thế, các em có nhiều thời gian để học phát âm, hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán Việt Nam một cách cụ thể hơn, chẳng hạn dùng đũa như thế nào, các món ăn Việt Nam ra sao. Và từ đó, các em mong muốn được biết thêm, học thêm rồi hỏi ‘Cô ơi, cô có thể dạy chúng em làm nem được không?’".
Trái ngọt đầu mùa
Và tình yêu tiếng Việt, cũng như tình yêu văn hóa Việt Nam của các em sinh viên được bồi đắp qua những giờ học tại lớp và trong những hoạt động ngoại khóa. Chương trình “Hồn Việt” chính là màn báo cáo kết quả học tập ấn tượng của các em. Các em không chỉ học tiếng Việt từ sách giáo khoa, mà còn tìm hiểu truyền thống đặc trưng của Việt Nam qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Điểm đặc sắc của chương trình này là các em sinh viên đã giới thiệu về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trước khi biểu diễn minh họa, khiến người xem như được đắm mình trong những nét văn hóa Việt và cảm thấy mình như đang có mặt tại Việt Nam.
Để có được kết quả như vậy là một quá trình làm việc không biết mệt mỏi của cả thầy và trò. Cô Hường đã mời các nghệ sĩ có tên tuổi ở Việt Nam giao lưu trực tuyến với các em như ca sĩ Tùng Dương giới thiệu về nhạc tiền chiến, nghệ sĩ nhân dân chèo Đoàn Thanh Bình giới thiệu về chèo cổ, nghệ sĩ Linh Huyền giới thiệu về cải lương. Ngoài ra các em còn được học hát chèo, cải lương với các nghệ sĩ để có thể hiểu được cách thức trình diễn các trích đoạn cải lương hay chèo. Sau đó là những buổi tập dài, mà chỉ riêng phần lời của các tiết mục biểu diễn cũng khiến cô Hường phải giải thích và làm mẫu thật lâu.
Cảm ơn những nỗ lực của cô Hường, sinh viên tiếng Việt năm thứ ba Valentina Granata nói: “Tôi thực sự cảm ơn Giáo sư Richard và cô giáo Hường đã luôn theo sát chúng tôi trong 3 năm qua. Với sự giảng dạy của mình, thầy cô đã khiến chúng tôi say mê tiếng Việt. Mặc dù tiếng Việt là một ngôn ngữ khó đối với người Italy, nhưng cô giáo Hường đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc phát âm và luôn truyền cảm hứng cho chúng tôi khám phá những điều mới mẻ về văn hóa Việt Nam”.
Trái ngọt của những nỗ lực của cả thầy và trò là cuối tháng 5 tới, khóa cử nhân tiếng Việt đầu tiên tại trường Đại học Cà Foscari sẽ ra trường. Và như những lời tâm huyết của cô Hường, nền tảng cơ bản mà các em sinh viên có được trong suốt 3 năm học tập tại trường sẽ giúp các em có thể tiếp tục nghiên cứu và học hỏi tiếng Việt ngay cả sau khi các em ra trường.
Những buổi học ngoại khóa, những cuộc gặp gỡ trao đổi với các nghệ sĩ Việt Nam và cơ hội các em được lên sân khấu giới thiệu về văn hóa Việt Nam sẽ là những dấu ấn tốt đẹp của các em về đất nước và con người Việt Nam. Kiến thức tiếng Việt sẽ giúp các em trở thành những sứ giả đưa Việt Nam và Italy xích lại gần nhau và làm cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển. Và trong số những người đóng góp miệt mài để bắc chiếc cầu hữu nghị đó có cô giáo Bích Hường.