Tại lễ hội này, không khí đón Tết cổ truyền của Việt Nam đã được tái hiện thông qua các hoạt động như nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ, mâm cỗ và câu đối Tết, múa lân và trình diễn áo dài, thi gói bánh chưng và các trò chơi dân gian truyền thống như múa sạp, nhảy dây, kéo co, đá cầu… Không gian Tết Việt Nam cũng trở nên hấp dẫn hơn với các trải nghiệm văn hóa truyền thống Nhật Bản như giã bánh mochi, trình diễn trang phục Kimono và thưởng thức món ăn truyền thống Nhật Bản.
Bên cạnh đó, bất chấp giá lạnh của vùng cận ôn đới, với nhiệt độ có lúc giảm xuống chỉ còn 4 độ, lễ hội vẫn vô cùng tưng bừng và náo nhiệt với các hoạt động nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản do các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam và các nghệ sỹ Nhật Bản biểu diễn.
Điểm nhấn của lễ hội này là Vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm Tài năng AVF Got Talent 2022 và Hoa hậu Miss Viet Nam-Kyushu 2022. Kết thúc hai cuộc thi này, thí sinh Phạm Hồng Duy xuất sắc giành giải quán quân cuộc thi AVF Got Talent 2022, trong khi thí sinh Nguyễn Thị Hoài Phương đã vượt các thí sinh khác để giành vương miện Hoa hậu.
Bên lề lễ hội, Ban Tổ chức đã tổ chức Lễ tổng kết cuộc vận động ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ Việt Nam. Dưới sự vận động của Tổng lãnh sự quán, sự chung tay của AVF và các hội người Việt Nam ở khu vực, cộng đồng người Việt Nam và bạn bè, đối tác Nhật Bản đã quyên góp và ủng hộ hơn 12,7 triệu yen (tương đương gần 2,6 tỷ đồng). Toàn bộ số tiền quyên góp được đã được chuyển về nước vào ngày 18/1.
Với những thành công của lễ hội lần này, Ban Tổ chức hy vọng sẽ duy trì và phát triển lễ hội thành một hoạt động thường niên nhằm đáp ứng mong mỏi của cộng đồng người Việt Nam trong khu vực mỗi khi Tết đến, Xuân về, đồng thời góp phần vào việc giữ gìn và quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ở Nhật Bản.
Còn trong khuôn khổ Tuần lễ Triển lãm lịch sử, giới thiệu và thúc đẩy giao lưu Fukuoka-Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka đã trưng bày các hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam, quá trình hợp tác và giao lưu văn hóa, kinh tế giữa Việt Nam và Fukuoka trong lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn từ sau khi Fukuoka ký thỏa thuận hợp tác với Hà Nội, đồng thời trưng bày một số sản phẩm văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như gốm Chu Đậu, các hình mẫu rối và rối nước và các đặc sản của nhiều tỉnh, thành Việt Nam như Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình và Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự quán cũng tổ chức cuộc tọa đàm về lịch sử chống quân Nguyên- Mông của Việt Nam và Nhật Bản trong thế kỷ XIII, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa khác như chiếu phim Việt Nam, trải nghiệm mặc trang phục áo dài và chơi thử một số nhạc cụ dân tộc.
Theo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, hiện có khoảng gần 45.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại khu vực Kyushu-Okinawa (Nhật Bản), trong đó riêng Fukuoka có trên 19.000 người.