Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh và 70 năm ngày mất của liệt sĩ Lương Kim Sinh. |
Đến dự có ông Nguyễn Tiến Hồng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Lãnh sự Nguyễn Tiến Hồng khẳng định, Liệt sĩ Lương Kim Sinh là người có công đối với cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam, Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi công lao của Liệt sĩ. Ông Nguyễn Tiến Hồng bày tỏ, trên cương vị của mình sẽ nỗ lực góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống hữu nghị Việt-Trung.
Tại buổi lễ, đại diện của Hội Hữu nghị Trung -Việt, học sinh, gia đình, bà con khu phố của Liệt sĩ Lương Kim Sinh đã ôn lại cuộc đời gian truân nhưng đầy hào hùng của ông, ý chí cách mạng kiên cường và tinh thần quốc tế cộng sản của ông xứng đáng để thế hệ trẻ học tập và lưu truyền.
Ông Nguyễn Tiến Hồng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu đến dự Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh và 70 năm ngày mất của liệt sĩ Lương Kim Sinh. |
Ngay sau buổi Lễ, các đại biểu tham dự đã đến thăm quan Nhà kỷ niệm Liệt sĩ Lương Kim Sinh tại quê hương ông và tham gia buổi Toạ đàm.
Sơ lược tiểu sử: Liệt sĩ Lương Kim Sinh (1906-1946) sinh ra tại quê mẹ ở Nam Kỳ, Việt Nam, quê cha ở thôn Thảo Phủ quận La Hồ, thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc; Khi lớn về Trung Quốc học tập và làm việc, có kiến thức uyên thâm, am hiểu bốn thứ tiếng Việt, Trung, Anh, Pháp, có nhiều nghiên cứu sâu về lý luận giáo dục và y học.
Năm 1928 trở lại Việt Nam tham gia Đảng Lao động Việt Nam, tiền thân của Chi bộ Việt Nam Quốc tế Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc và Lý Quý lãnh đạo. Năm 1934 về Trung Quốc khôi phục Đảng, làm Bí thư Chi bộ thành phố Nam Ninh.
Con trai liệt sĩ Lương Kim Sinh là Lương Hán Bình giới thiệu về cha mình tại Nhà kỷ niệm Liệt sĩ Lương Kim Sinh. |
Năm 1939-1945, ông từng đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc nhà máy chế biến thuốc Quang Hoa, Hiệu trưởng của Trường con em cán bộ tại Diên An, trước đó ông từng bán đất của gia đình lấy tiền mở trường học tại quê hương Thâm Quyến, nay là Trường PTCS Nam Đầu.
Năm 1945, theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đồng ý của Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông Lương Kim Sinh sang Việt Nam tham gia cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Năm 1946 hy sinh trong khi đàm phán với Quốc Dân Đảng do bị đầu độc.