Hội nghị được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến (các điểm cầu tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Đại dương).
Trao đổi với đại diện, lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam tại Séc tham dự hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Thái Xuân Dũng cho biết, dự thảo Luật Đất đai cho thấy sự thay đổi tư duy rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc biến đất đai thành nguồn lực để xây dựng phát triển đất nước. Để phát huy hiệu quả thì Luật Đất đai (sửa đổi) phải sát với thực tế đời sống của người dân, do đó, việc lấy ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài rất cần thiết. Đại sứ tin rằng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Séc, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Cộng đồng người Việt Nam tại Séc đã được Chính phủ Séc công nhận là một dân tộc thiểu số, cộng đồng ngày càng hội nhập vào xã hội Séc nhưng luôn hướng về cội nguồn, mong muốn được đóng góp trí tuệ và nguồn lực kinh tế để xây dựng quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng được đánh giá rất tích cực trong việc góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là các vấn đề có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Praha, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc cho biết, ông mong muốn qua đợt góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính sẽ được tháo gỡ để người Việt Nam định cư ở nước ngoài dễ dàng được thừa kế phần đất đai do ông bà, cha mẹ để lại.
Ông Nhiên cũng tin tưởng rằng với sự đóng góp rộng rãi của kiều bào ở nước ngoài, Luật Đất đai sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư về quê hương.
So với Luật đất đai hiện hành, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới trong việc quy định về quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài trong chính sách pháp luật đất đai hiện hành, như việc từ chỗ kiều bào chỉ được mua một nhà ở hoặc một căn hộ chung cư, thì nay không còn bị hạn chế số lượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Trong lần sửa đổi này, trên cơ sở nguyện vọng của bà con kiều bào và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất đã được nêu tại Nghị quyết 18 của Trung ương, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Ban soạn thảo tháo gỡ những hạn chế còn tồn tại.