Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các khái niệm quy định trong Luật; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bảng giá đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; bồi thường với cây trồng vật nuôi.
Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình khóa XIV Bùi Văn Xuyền, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã căn bản quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn nhiều nội dung trùng lắp với các quy định của các luật khác có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Thanh tra, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Do vậy, đại biểu đề nghị, với nội dung mà luật khác đã quy định thì không quy định lại trong Luật Đất đai (sửa đổi) như nội dung tại Chương II Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân với đất đai; Chương XV Giám sát, Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Mặt khác, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn giao cho Chính phủ quy định và quy định chi tiết khá nhiều điều, khoản, làm cho các quy định của Luật dàn trải, không tập trung, khó cho việc tổ chức thực hiện, giảm hiệu lực hiệu quả thi hành của luật như Chương XI có 8/11 điều; Mục 2 Chương VIII có 17/43 điều giao Chính phủ quy định chi tiết. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại, chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết những nội dung mang tính kỹ thuật.
Góp ý về một số khái niệm được quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình Nguyễn Hữu Dưỡng cho rằng, cách sử dụng từ "khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất" tại Điểm 30, Điều 3 Chương I về Quy định chung là chưa phù hợp. Do đất đai là tài nguyên được nhà nước quản lý và khu vực nào cũng cần quản lý nghiêm ngặt. Vì vậy, đại biểu đề nghị sử dụng khái niệm "khu vực quản lý chuyên biệt" thay cho khái niệm "khu vực quản lý nghiêm ngặt".
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình cho rằng, cần bổ sung quyền và nghĩa vụ của các tôn giáo về sử dụng đất. Bởi thực tế hiện nay, có cơ sở chỉ hoạt động tôn giáo đơn thuần; có cơ sở vừa hoạt động tôn giáo, vừa là di tích lịch sử, lại có nơi là khu du lịch tâm linh. Vì vậy, Luật cần nêu rõ chủ thể sử dụng đất của từng loại cơ sở tôn giáo và các quyền, nghĩa vụ tương ứng để các cơ quan quản lý có thẩm quyền thuận lợi trong giải quyết các quan hệ pháp luật về đất đai của các tổ chức tôn giáo như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký đất đai và xử lý các tranh chấp nếu có phát sinh.
Đại biểu cho rằng, Điều 225 quy định trọng tài thương mại tham gia giải quyết tranh chấp đất đai là chưa phù hợp. Bởi trọng tài thương mại là tổ chức phi chính phủ, chỉ có chức năng giải quyết các tranh chấp về kinh doanh thương mại đơn thuần. Nếu các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai, phải do Tòa án giải quyết.
Vấn đề thu hồi đất được quy định tại 6 Điều Chương VI (từ Điều 82 đến Điều 87) nhưng vẫn còn chung chung. Đại biểu kiến nghị nên sửa lại cụ thể trình tự, thủ tục tại Điều 83 Chương VI, với các bước thực hiện và thời gian tiến hành như: thông báo thu hồi đất; tổ chức kiểm đếm đất đai và tài sản gắn liền với đất; tổ chức việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; ra quyết định thu hồi. Các điều tiếp theo nên bổ sung và sắp xếp theo thứ tự diễn giải các bước cụ thể.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên kiến nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ tích tụ, tập trung đất đai, bởi thực tiễn cho thấy đây là vấn đề đặc biệt quan trọng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Ngoài ra, cần làm rõ các nội dung bồi thường với cây trồng vật nuôi, bảng giá đất, bảo đảm tính khả thi của Luật.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình Vũ Thanh Vân ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, khoa học, chất lượng của các chuyên gia, các thành viên trong Hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị và chuyển ý kiến đến Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là những ý kiến quý báu góp phần xây dựng Luật Đất đai hiệu quả, phù hợp hơn với thực tiễn, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện có.