Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã nêu quan điểm xung quanh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đặc biệt trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp.
Trao đổi bên lề với phóng viên báo Tin tức, TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện quản lý và phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm Nghiệp cho rằng, có một số nội dung trong Luật cần chỉnh sửa cho phù hợp. Liên quan đến điều 14, 15 chủ sở hữu và cơ quan đại diện quyền chủ sở hữu chưa được hợp lý. Trong quyền định đoạt ở điều 14 không phải tất cả nội dung đều thuộc vai trò chức năng chủ sở hữu của Nhà nước, còn có chức năng quản lý xã hội. Nhà nước cũng có quyền định đoạt một số nội dung như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Một số vấn đề về giá bồi thường, người dân cần được quyền đàm phán giá bồi thường, có quyền đưa ra ý kiến về giá bồi thường đất, thể hiện vai trò chủ sử dụng và sở hữu toàn dân.
Video TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện quản lý và phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm Nghiệp chia sẻ:
Từ đó, TS. Nguyễn Bá Long đề xuất, thành phần hội đồng thẩm định giá đất phải có đại diện của Hội đồng nhân dân. Như vậy mới đảm bảo tính độc lập, khách quan, cơ chế giám sát và hạn chế quyền lực tập trung vào cơ quan quản lý hành chính như hiện nay. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác tại địa phương nơi có đất bị thu hồi thì được Nhà nước bố trí tái định cư thông qua hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất; được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở theo quy định của pháp luật.
Còn theo GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải là luật của cuộc sống, việc tiếp sức sống cho bộ luật này là trách nhiệm của mọi người, các nhà khoa học, các chuyên gia.
Góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, GS.TS Phạm Văn Điển cho biết: “Hiện có một số quy định chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Lâm Nghiệp như: Thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất cần phải có so sánh, đối chiếu, để tạo ra sự thống nhất giữa hai Luật.
Video GS. TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp chia sẻ:
Theo GS.TS Nguyễn Văn Điển điều quan trọng là thực thi quyền sở hữu đất đai quy định ở điều 14 và điều 15 cần phải rõ hơn nữa. Trong tất cả các bước, thực thi quyền sở hữu (đại diện là Nhà nước) luôn cần sự có mặt của các thành viên trong hội đồng nhân dân. Mặt khác, việc thiết lập thành pháp lệnh phải thực thi thật nghiêm, như thế luật mới vào được cuộc sống.
Về vấn đề đền bù khi thu hồi đất, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng, thu hồi đất là vấn đề được Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất có điều kiện sống tốt hơn, những người bị thu hồi đất phải được bố trí chỗ tái định cư trước khi bị thu hồi đất.
Video ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chia sẻ:
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, để đảm bảo cho người dân có nhiều lựa chọn hơn, đời sống tốt hơn, trong luật cũng có quy định bồi thường bằng đất tương ứng, nhưng tỷ lệ thấp, do đó, trong dự thảo Luật lần này nên đưa vào việc có thể bồi thường bằng tiền, có thể bằng đất tương ứng hoặc góp cổ phần vào các dự án xây dựng đô thị, để người dân có nhiều lựa chọn.