Công nhân Việt và nhà máy Séc vấp rào cản thị thực

Hiện nay các nhà máy ở CH Séc đang thiếu nhân công trầm trọng và những người thợ Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được về mặt tay nghề. Tuy nhiên, rào cản thị thực không cho phép cung và cầu gặp nhau.

Công nhân Việt Nam tại một nhà máy tại CH Séc.

Các nhà máy của Séc, nhất là những cơ sở làm hàng xuất khẩu, đang có nhu cầu tuyển dụng công nhân. Nhiều hợp đồng cung cấp hàng cho các đối tác nước ngoài có nguy cơ không thể hoàn thành do thiếu thợ. Các nhà máy, xí nghiệp ở Séc lo sợ sẽ bị phạt một khoản tiền lớn do chậm tiến độ. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất là sự sụt giảm uy tín với bạn hàng quốc tế vốn được gây dựng dần dần qua nhiều năm. 

Các nhà máy, xí nghiệp xuất khẩu của Séc đang thiếu 100.000 lao động, trong đó có 70.000 công nhân. Khan hiếm thấy rõ nhất là thợ ống nước, thợ hàn, thợ kim khí, thợ nguội... Tìm kiếm nguồn lực tại chỗ hầu như không thể và các nhà tuyển dụng chỉ còn cách trông chờ vào lao động nước ngoài.

Điều đáng lưu ý là không phải CH Séc không có người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp dao động từ 2,6 đến 3,8%. Tuy nhiên, các cuộc điều tra xã hội học cho thấy có tới một đội quân lên tới 5% dân số Séc không chịu lao động dù bị ép buộc.

Một số khác chỉ làm việc tại các nhà máy cho đủ số giờ quy định để được hưởng trợ cấp thất nghiệp về sau. Cuộc thăm dò do tờ báo DNES đặt hàng chỉ rõ rằng 37% số công ty, xí nghiệp của nước này sẵn sàng tiếp nhận những người thợ nước ngoài không biết tiếng Séc.

Ông Otto Daněk, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu của Séc và là giám đốc của một nhà máy sản xuất động cơ điện tại thành phố Náchod (giáp biên giới Ba Lan), nói với phóng viên Đài Phát thanh Praha rằng tình hình nghiêm trọng tới mức các nhà xuất khẩu đang gây sức ép mạnh mẽ với Chính phủ CH Séc nhằm nới lỏng các quy định nhập khẩu công nhân nước ngoài.

Hiện tại Hiệp hội các nhà xuất khẩu của Séc đang hướng tới nguồn cung từ các nước gần gũi về mặt địa lý và văn hóa, cụ thể là Ukraine và Belarus. Lao động từ nước Ukraine được ưu ái hơn cả. Theo số liệu của Cục Lao động CH Séc, tính đến đầu năm 2015 tại nước này có 35.000 công nhân Ukraine trong tổng số 65.000 lao động nước ngoài không thuộc các quốc gia nằm trong Liên minh châu Âu. Số lượng lao động Ukraine tại Séc năm 2015 cao hơn năm 2014 và trong năm 2016 sẽ còn tăng mạnh.

Nguồn cung từ Việt Nam chưa được các nhà máy, xí nghiệp ở Séc hướng đến mặc dù lâu nay những người thợ của nước ta được giới tuyển dụng nước bạn đánh giá cao về sự khéo tay và cần cù. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Jiri Belinger, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ CH Séc, khẳng định: "Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Séc và Việt Nam đã được thực hiện 20 năm rồi và rất thành công. Lịch sử sự hợp tác này sẽ còn rất lâu dài. Nói thêm là ở công ty riêng của tôi cũng có một số người thợ Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Séc sẵn sàng tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc theo nhu cầu tuyển dụng của chúng tôi”.

Những người Việt ở Séc làm công việc môi giới lao động cho biết, họ có nhiều đơn đặt hàng tuyển dụng thợ Việt Nam từ phía các nhà máy, xí nghiệp tại khắp các tỉnh, thành, song nguồn cung cực kỳ hiếm. Trong số những người Việt ít ỏi đang làm việc tại các nhà máy của Séc tuyệt đại đa số sang đây từ nhiều năm trước, số khác mới chuyển từ lĩnh vực kinh doanh sang do không trụ được trên thương trường. Số lượng thợ lành nghề Việt Nam mới sang Séc theo nhu cầu tuyển dụng của các nhà máy là không đáng kể.

Anh Võ Quang quê Quảng Bình và hiện tại đang làm việc trong một nhà máy liên doanh với nước ngoài ở thành phố Pardubice, CH Séc. Anh cho biết: "Tôi làm việc ở đây gần 10 năm rồi, công việc và thu nhập ổn định. Cùng làm cùng dây chuyền với tôi chủ yếu là công nhân nước ngoài như Ukraine, Romania, Serbia, Slovakia, Ba Lan...

Thợ Việt Nam được nhà máy quý mến vì sẵn sàng làm tăng ca vào các ngày nghỉ và cũng sáng dạ. Nhà máy rất muốn tuyển công nhân Việt Nam nhưng điều này quá khó khăn nên sắp tới nhà máy sẽ nhận 100 thợ Mông Cổ. Tôi muốn đưa con trai sang làm cùng, nhà máy rất hoan nghênh, cấp ngay giấy tuyển dụng. Tuy nhiên thủ tục từ phía các cơ quan chức năng rất phức tạp, đặc biệt khó khăn là khâu thị thực vào Séc".

Bộ Nội vụ CH Séc, nơi cấp thị thực dài hạn cho người nước ngoài, cho đến thời điểm hiện tại không chào đón lao động Việt Nam cho dù nhu cầu tuyển dụng của các nhà máy, xí nghiệp lớn đến đâu. Lý do là trước đây một số công nhân Việt Nam đã đơn phương phá vỡ hợp đồng làm việc với các nhà máy, tự tìm việc làm tại các cơ sở sản xuất khác, đi làm thuê cho các chủ cửa hàng người Việt, chuyển sang kinh doanh hoặc đi đến các nước trong EU có mức lương cao hơn. Điều này để lại định kiến nặng nề cho các cơ quan chức năng của CH Séc, bởi vậy điều kiện xét cấp thị thực cho lao động Việt Nam cực kỳ ngặt nghèo.

Trong chuyến thăm CH Séc mới đây ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, nói rằng một trong các mục đích của chuyến công tác là tìm hiểu cơ hội đưa lao động Việt Nam sang Séc. Theo ông, để tháo gỡ tình trạng khâu thị thực cản trở sự tiếp cận giữa người lao động Việt với những cơ sở sản xuất Séc thì các cơ quan chức năng cấp cao nhất của cả hai nước phải thực sự vào cuộc.

Bài, ảnh: Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Praha)
Thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp người Việt tại Đức
Thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp người Việt tại Đức

Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Đức do Đại sứ Đoàn Xuân Hưng dẫn đầu ngày 10/4 đã tới thăm và làm việc tại Trung tâm Thương mại (TTTM) Thái Bình Dương thuộc quận Marzahn ở Berlin, gặp gỡ tìm hiểu việc làm ăn của các doanh nghiệp cũng như thăm Trường Tiếng Việt Sao Mai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN