Cơ quan thường trú lâu năm nhất của TTXVN ở nước ngoài

Trải qua lịch sử 75 năm hình thành và không ngừng phát triển, Thông tấn xã Việt Nam có văn phòng đại diện tại Bangkok ngay sau ngày Độc lập 2/9/1945 và từng có khoảng 15 người làm việc trong giai đoạn 1946-1954.

Chú thích ảnh
Trụ sở phân xã Bangkok giai đoạn 1996-2006.

Trong chiến lược đổi mới, từ cuối những năm 1980 của thế kỷ 20, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tăng cường hoạt động thông tin đối ngoại, góp phần tích cực đưa Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Để hoàn thành tốt sứ mệnh này, TTXVN cần khẩn trương phát triển mạng lưới cơ quan thường trú ở nước ngoài. Tại thời điểm ấy,
Bangkok (Thái Lan) được xác định là địa bàn ưu tiên hàng đầu, cửa ngõ thuận tiện nhất trong hoàn cảnh Việt Nam còn bị bao vây cấm vận.

Đầu năm 1988 tại TP Hồ Chí Minh, TTXVN đóng vai trò chủ đạo cho việc đăng cai Hội nghị bàn tròn các Nhà báo Châu Á và Thái Bình Dương (CA-TBD). Đây là cuộc hội tụ hiếm có tại Việt Nam dành cho các cá nhân và tổ chức đại diện thuộc lĩnh vực truyền thông khu vực CA-TBD mở rộng. Trong buổi khai mạc, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nêu khái quát các vấn đề quốc tế liên quan tới khu vực và lập trường của Việt Nam đối với việc phấn đấu xây dựng khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Thái Bình Dương hòa bình, độc lập, hợp tác, thân thiện và phi hạt nhân. Ngoài những phiên họp và phát biểu tham luận tại hội trường, các phóng viên quốc tế còn được tạo thuận lợi đi thực tế, tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau ở TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên đội ngũ hàng chục phóng viên báo chí quốc tế đồng thời trực tiếp tìm hiểu về chủ trương đổi mới, nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, chính sách đoàn kết tôn giáo, dân tộc của Việt Nam… trên chính những vùng đất mà 13 năm trước còn là chiến trường. 

Ngày nay, chúng ta hoàn toàn có cơ sở liên hệ rằng sự kiện báo chí khu vực nói trên là một trong những nguồn thông tin giúp cựu Thủ tướng Thái Lan (1988-1991) Chatichai Choonhavan đưa ra chính sách từng được nhắc nhiều “Biến Đông Dương từ chiến trường thành trị trường”. Cũng chính ý tưởng ấy khiến cố Tổng giám đốc TTXVN (1990-1996) Đỗ Phượng quyết tâm đẩy nhanh triển khai cơ quan thường trú của TTXVN tại Bangkok (Thái Lan). 

Thực ra địa bàn Thái Lan nằm trong “tầm ngắm” của ông Đỗ Phượng đã lâu. Mấy ngày tham gia chỉ đạo hội nghị nói trên ở TP Hồ Chí Minh năm 1988, ông dành ưu tiên thích đáng để trò chuyện với quan chức, nhà báo người Thái Lan. Ông còn can thiệp để phóng viên Thái Lan được hưởng ngoại lệ phỏng vấn riêng, không giới hạn đề tài với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Ngoài những mục đích giúp phía Thái Lan hiểu đúng hơn về Việt Nam sau một loạt biến động gay cấn ở khu vực, ông Đỗ Phượng ngầm ướm đo khả năng lựa chọn đối tác, trợ giúp cho TTXVN đặt cơ quan thường trú tại Bangkok. Điều rất “thầm kín” là TTXVN ngày ấy vô cùng eo hẹp ngoại tệ để đưa phóng viên thường trú ra nước ngoài. 

Nhờ vậy, TTXVN đã thành công trong việc hợp tác song phương với tờ báo lớn của Thái Lan “The Nation” để giải quyết bước đầu vấn đề trụ sở làm việc, thực hiện kế hoạch bố trí 2 phóng viên thường trú vào năm 1992 với tên gọi quen thuộc là “Phân xã Bangkok”. Tuy nhiên, thấm nhuần phương châm “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lãnh đạo TTXVN nỗ lực thu xếp để phân xã mau chóng tách ra khỏi tình trạng phải nhờ chỗ làm việc tại trụ sở của đối tác. Năm 1994, Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng đích thân sang Bangkok, chính thức khai trương phân xã. 

Kết quả hoạt động những năm đầu của phân xã Bangkok được đánh giá đạt yêu cầu như mong đợi. Phóng viên phân xã Bangkok bay sang Brunei đưa tin, ghi hình sự kiện trọng đại Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995, thông tin về dư luận quốc tế và khu vực liên quan tới tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ (11/7/1995), Việt Nam trở thành thành viên APEC (15/11/1998)… 

Chú thích ảnh
Gian trưng bày của TTXVN tại triển lãm báo chí Thái Lan 2004. 

Trở lại với hợp tác chuyên ngành truyền thông giữa Việt Nam-Thái Lan, chính sách mở cửa và tốc độ hội nhập của Việt Nam gây ấn tượng rất lớn với các nhà quan sát Thái Lan. Một ông trùm báo chí của Thái Lan thời kỳ ấy là Sonthi Limthongkul đã tìm cách tiếp cận và đưa ra nhiều lập luận để thuyết phục TTXVN hợp tác. Ông Sonthi nắm tập đoàn báo chí lâu đời “Nhà Quản lý” (tên tiếng Anh là Manager và tiếng Thái là Phuchatcan). Năm 1995, Tập đoàn cho ra đời thêm tờ báo tiếng Anh “ASIA TIMES” và ông Sonthi đích thân chọn giao cho ông Pansak Vinyarak vị trí Tổng biên tập ASIA TIMES. Ông Pansak được đào tạo bài bản ở Anh và từng có lần tự tin, hùng hồn trình bày với đại diện của TTXVN rằng báo ASIA TIMES xuất bản hàng ngày bằng tiếng Anh, đồng thời in và phát hành tại nhiều địa điểm trên toàn khu vực châu Á với tiêu chí “người châu Á làm báo phục vụ người châu Á”. Đáng tiếc là toàn bộ cơ ngơi của ASIA TIMES cũng như Trung tâm Tư liệu Đông Dương bị trận bão khủng hoảng tài chính 1997 thổi bay. 

Điều ít ai biết là chỉ vài tháng trước thời điểm đỉnh bão, Tổng giám đốc Đỗ Phượng có thư gửi ông Sonthi thông báo chấm dứt mọi hình thức hợp tác với Tập đoàn truyền thông để “chuyển sang hình thức hợp tác cao hơn, hiệu quả hơn”. Trận bão đi qua, Phân xã Bangkok cũng như TTXVN không phải khắc phục hậu quả đáng tiếc nào từ nội dung hợp tác với Tập đoàn phía Thái Lan. 

Trở lại với công việc của Phân xã Bangkok thời những năm giữa 90, ngoài nhiệm vụ đưa tin, viết bài, cán bộ phân xã còn được giao nhiệm vụ tìm kiếm đối tác thực thụ-cơ quan hoặc tổ chức chính phủ chuyên trách về truyền thông của nước sở tại. Sau quá trình tìm hiểu, đối chiếu so sánh, Phân xã báo cáo lãnh đạo TTXVN về Cục quan hệ Công cộng (PRD), trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, có chức năng tuyên truyền phổ biến chính sách của chính phủ, duy trì quan hệ truyền thông với các cơ quan trong và ngoài nước, quản lý đội ngũ phóng viên nước ngoài thường trú tại Thái Lan. 

Tìm kiếm đúng đối tác đã khó nhưng bàn thảo để xác định phạm vi, nội dung hợp tác giữa TTXVN và đối tác Thái Lan còn khó hơn. Vô số tình tiết, diễn biến, trao đổi đoàn thăm dò, khảo sát lẫn nhau đưa đến kết quả là ngày 24/8/2004 tại Hà Nội, TTXVN và Cục Quan hệ Công cộng Thái Lan ký Thỏa thuận hợp tác về trao đổi thông tin, đào tạo chuyên môn, ngôn ngữ, tổ chức hội nghị, hội thảo, định kỳ trao đổi đoàn chuyên viên và cấp cao… đáp ứng mục tiêu tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, vì khối ASEAN đoàn kết, hữu nghị và thống nhất, phồn vinh. Sự kiện này có thể xem như cột mốc kỷ niệm tròn 10 năm chính thức khai trương Phân xã Bangkok trong suốt chặng đường gần 30 năm liên tục hoạt động vừa qua của Phân xã tại đất nước chùa Phật ngọc. 

Lời kết của bài viết này xin ôn lại một chi tiết quan trọng liên quan đến Phân xã Bangkok nói riêng và TTXVN nói chung. Trải qua lịch sử 75 năm hình thành và không ngừng phát triển, TTXVN vốn có văn phòng đại diện tại Bangkok ngay sau ngày Độc lập 2/9/1945 và từng có khoảng 15 người làm việc trong giai đoạn 1946-1954. Làm phép cộng cả hai giai đoạn, tính đến nay, Phân xã Bangkok vừa tròn 3 giáp.

Nguyễn Tiến
75 năm TTXVN: Dòng tin chính thống kết nối thế giới
75 năm TTXVN: Dòng tin chính thống kết nối thế giới

"Chuyên nghiệp", "xả thân vì công việc", “sáng tạo”, “nhiệt huyết”, “cung cấp những nguồn tin đáng tin cậy”… không phải ngẫu nhiên mà cả Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh, Đại sứ tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam và Đại sứ tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi đều có chung những nhận xét như vậy về các phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN