Ông Nguyễn Trung Hà phát biểu tại buổi lễ. |
Tham dự buổi lễ có Thống đốc tỉnh Kaluga, đông đảo đại diện của chính quyền tỉnh, đại diện Tập đoàn Năng lượng Nga Rosatom, lãnh đạo nhà trường, các giáo viên và các em sinh viên. Ông Nguyễn Trung Hà, tham tán, trưởng phòng công tác Lưu học sinh Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, dẫn đầu đoàn đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đến dự và tuyên dương thành tích của các em.
Khóa đầu tiên trong số hơn 300 em sinh viên được Việt Nam cử đi đào tạo chuyên ngành năng lượng hạt nhân, vốn để đón đầu dự án hợp tác giữa hai nước Nga-Việt, đã đạt kết quả rất tốt với 5 tấm bằng “đỏ” và 23 bằng khá.
Trong 6 năm học tập, các em cũng đã khẳng định được khả năng hoạt động khoa học của mình trong các dự án sinh viên với sự đỡ đầu của các giáo sư nhà trường. Chính kết quả và khả năng học tập, nghiên cứu ấy đã đã thúc đẩy mở ra hướng mới cho những khóa tiếp theo khi dự án nhà máy điện hạt nhân tạm thời đang ngừng lại do nhiều lý do.
Trong bối cảnh mục đích đào tạo ban đầu đã thay đổi, khi các em sinh viên không tránh khỏi những lo lắng về tương lai, phòng công tác Lưu học sinh Đại sứ quán Việt Nam đã vào cuộc, từ nắm bắt trình độ, khả năng của các em sinh viên mà đưa ra những kiến nghị, gợi ý với nhà trường, với Bộ Giáo dục hai nước.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại LB Nga, ông Nguyễn Trung Hà cho biết, hiện đã có những hướng giải quyết ban đầu rất khả thi, trước mắt, các em tốt nghiệp bằng xuất sắc sẽ được đề nghị học tiếp lên tiến sĩ và đại diện nhà trường rất hoan nghênh đề nghị này, cũng đang nghiên cứu phương án chuyển đổi ngành học cho các khóa sinh viên sau, chuyển đổi hệ đào tạo từ chuyên gia sang cử nhân, mở rộng thêm cơ hội học lên cao học với chuyên ngành mang tính ứng dụng hơn, thích hợp hơn với nền kinh tế của Việt Nam.
Là người sâu sát nhất với các sinh viên Việt Nam học tập tại LB Nga, ông Hà khẳng định, kể cả khi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tạm thời chưa được thực hiện thì các tân cử nhân công nghệ cao ngày hôm nay vẫn là vốn quý cho đất nước phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
Các em sinh viên cùng chụp ảnh lưu niệm. |
Giáo sư Sergey Leskin, trưởng bộ môn “Thiết bị và vận hành máy năng lượng hạt nhân” của nhà trường nơi trực tiếp đào tạo các sinh viên Việt Nam, cho biết, tuyệt đại đa số sinh viên Việt Nam đều có kiến thức nền tảng tốt, giúp các em nhanh chóng vượt qua rào cản ngôn ngữ và hoàn thành tốt không chỉ các môn học cơ bản của hai năm đầu, mà còn không thua kém sinh viên Nga trong cả các môn chuyên ngành của một lĩnh vực công nghệ cao như năng lượng hạt nhân kể từ năm học thứ ba.
Theo Giáo sư Leskin, trong thành tích đáng tự hào đó có thể ghi nhận động cơ rất lớn của các em, đó là vinh dự được nhà nước cử đi học và một hoài bão cống hiến cho đất nước.
Từ góc độ chuyên môn, Giáo sư khẳng định, với một chương trình học chất lượng cả về lý thuyết lẫn thực hành tại một cơ sở đào tạo hàng đầu của nước Nga về lĩnh vực năng lượng, trong đó có năng lượng hạt nhân, các em sinh viên tốt nghiệp hôm nay có đủ kiến thức và năng lực để gia nhập hàng ngũ các nhà khoa học trẻ của Việt Nam, tiếp tục học lên bậc tiến sĩ, tham gia nghiên cứu, làm việc không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác.
Các sinh viên Việt Nam là thế hệ sinh viên nước ngoài thứ hai được đào tạo tại ngôi trường là một trong những môi trường khoa học đỉnh cao của Liên Xô cũ và LB Nga này (Obninsk là thành phố khoa học đầu tiên của Nga). Tại đây các em không chỉ được tiếp cận và học tập với những “bộ óc” hàng đầu của giới khoa học Nga, các em còn tiếp tục được biết và được hiểu tình thầy trò Nga-Việt, không đứt quãng hay thay đổi qua thời gian.
Dẫu sau đây khi đã trưởng thành lập nghiệp ở quê hương, các em cùng nguyện nhất định sẽ về lại thăm trường khi có dịp quay trở lại nước Nga. Với hành trang rời trường ngày hôm nay dẫu tương lai còn nhiều thử thách, tân cử nhân xuất sắc Phạm Văn Tuyên tin tưởng rằng mình sẽ thực hiện được hoài bão và có được nhiều điều để báo ơn với các thầy cô trong ngày gặp lại.
Kỷ niệm thế hệ sinh viên Việt Nam đầu tiên, lãnh đạo trường Đại học Năng lượng Nguyên tử Obninsk đã nhân dịp này khánh thành Phòng Hữu nghị quốc tế các dân tộc, nơi lưu giữ những “hòn gạch” ban đầu góp phần xây dựng nền khoa học đỉnh cao cho Việt Nam.