Có thể nói, cô giáo người dân tộc Mường ở Phú Thọ Hà Ánh Phượng không còn xa lạ với nhiều người. Chỉ cần vào mạng gõ từ khóa “Ha Anh Phuong”, trong chưa đầy một giây sẽ cho gần 400 triệu kết quả. Đặc biệt, những ngày gần đây, cái tên Hà Ánh Phượng lại tiếp tục vang lên, khi được Hội đồng xét tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 xướng tên.
Sinh năm 1991 tại xã Thượng Long, thuộc huyện miền núi nghèo Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, ngay từ khi học lớp 6 ở trường nội trú huyện, Hà Ánh Phượng đã có niềm đam mê đặc biệt với môn tiếng Anh. “Trong suốt những năm học Trung học cơ sở, tôi may mắn có cô giáo chủ nhiệm là người vô cùng tâm lý, rất tuyệt vời. Tôi đã học được ở cô nhiều điều và khi đó đã quyết tâm học tiếng Anh thật tốt để sau có thể trở thành giáo viên dạy tiếng Anh”, cô giáo Hà Ánh Phượng tâm sự.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, Phượng trúng tuyển vào Đại học Hà Nội. Những năm đầu đại học, cô gái Mường đi dạy gia sư tiếng Anh. Từ năm thứ ba, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô trong trường, Phượng cùng các bạn trong lớp làm việc với các trung tâm tiếng Anh, đơn vị lữ hành và làm phiên dịch cho nhiều sự kiện. Năm cuối đại học, trong một lần tham gia phiên dịch cho Công ty dược của Pakistan, Hà Ánh Phượng đã gây ấn tượng mạnh với đơn vị này và được mời làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch với mức lương khá cao.
“Đối với sinh viên sắp ra trường, đây quả thật là một lời mời, một cơ hội vô cùng hấp dẫn và tôi cảm thấy rất vui. Nhưng quả thật, ngoài khả năng về tiếng Anh thì các kiến thức về luật kinh doanh, về quản lý… không phải là thế mạnh của tôi nên tôi đã thẳng thắn từ chối. Hơn nữa, tình yêu và ước mơ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh vẫn còn cháy bỏng và tôi đã quyết tâm theo đến cùng”, cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ.
Năm 2016, sau khi bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Phượng được tuyển dụng đặc cách làm giáo viên tại Trường Trung học phổ thông Hương Cần ở huyện miền núi Thanh Sơn theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh Phú Thọ. Thế nhưng ngay khi về giảng dạy tại ngôi trường được bao bọc xung quanh là núi, với hơn 90% học sinh là đồng bào dân tộc, cô Phượng nhận thấy việc học môn tiếng Anh ở đây chưa được học sinh chú trọng; các em nhút nhát, không tự tin khi nói tiếng Anh… Từ thực tế này, cô giáo Phượng trăn trở làm thế nào để tạo ra môi trường học tiếng Anh thật tốt, các em không chỉ tự tin hơn mà phải có niềm đam mê thật sự với môn tiếng Anh.
Từ kinh nghiệm, mối quan hệ có được từ thời sinh viên và thời gian đi làm thêm ở những năm cuối đại học, cô giáo Phượng đã sử dụng các phần mềm kết nối dựa trên nền tảng internet để tạo ra những tiết học có sự giao lưu giữa học sinh của mình với các bạn bè của cô trên khắp thế giới. Nhưng cô cũng sớm nhận ra những hạn chế nhất định của phương pháp này và nó thực sự thay đổi khi cô tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin vào năm 2018.
Từ đây, những "lớp học xuyên biên giới" do cô Phượng chủ trì ra đời. Ngoài áp dụng công nghệ thông tin, cô còn sáng tạo cách dạy học mới như dạy qua phim ảnh, dự án... Bởi vậy, những cô cậu học trò người Mường của cô từ tâm thế tự ti nay đã trở nên tự tin, hào hứng mỗi khi vào giờ tiếng Anh; khả năng giao tiếp, hùng biện bằng tiếng Anh tốt hơn và ngày càng có nhiều học sinh đam mê với môn tiếng Anh.
Say mê, cố gắng và luôn sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, năm 2020, cô giáo trẻ người dân tộc Mường vượt qua hàng chục nghìn ứng viên để vào top 50 và tiếp tục lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu do Ban tổ chức giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) - Quỹ Varkey (Varkey Foudation) bầu chọn. Đây là giải thưởng được ví như Giải Nobel về giáo dục.
Cô Hà Ánh Phượng chia sẻ thêm, cô đang hướng dẫn học sinh trong trường triển khai Dự án “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng”, lan tỏa tích cực tới nhiều trường học trong và ngoài nước. Đây là dự án phi lợi nhuận được thực hiện bởi cô và trò thuộc Câu lạc bộ tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Hương Cần, với mong muốn nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc phòng, chống bạo lực trên không gian mạng. Qua đó, cùng kết nối với học sinh các trường trong và ngoài nước bày tỏ quan điểm, tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này…
Thầy Phan Trọng Đức, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hương Cần cho biết, cô Phượng là giáo viên trẻ nhiệt huyết, thường xuyên chia sẻ cách ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến với các giáo viên khác trong và ngoài trường, thậm chí là cả với ngoài nước. Hiện nay, không chỉ lớp học của cô Phượng theo mô hình xuyên biên giới, nhiều giáo viên khác cũng áp dụng phương pháp học này và mang lại hiệu quả thiết thực. So với mặt bằng chung của một số trường Trung học phổ thông lân cận, trình độ tiếng Anh của học sinh Trường Trung học phổ thông Hương Cần trong những năm học gần đây được cải thiện đáng kể và có nhiều kết quả tốt hơn.
Thầy Phan Trọng Đức khẳng định: “Những kết quả, thành tích mà cô Hà Ánh Phượng đạt được trong thời gian qua là hoàn toàn xứng đáng. Đây còn là niềm tự hào và hạnh phúc của thầy và trò nhà trường”.
Về những dự định trong thời gian tới, cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết sẽ tiếp tục sản xuất các video dạy tiếng Anh miễn phí trên kênh youtube của mình; hỗ trợ học sinh thực hiện các dự án và tạo điều kiện tối đa để giúp các em phát triển toàn diện, trở thành những công dân toàn cầu. Cô giáo Hà Ánh Phượng khẳng định: “Tôi luôn tâm niệm rằng, dù thành phố hay nông thôn thì sự tụt học mới là tụt hậu. Dù ở bất cứ nơi đâu, dù mảnh đất ấy có khô cằn đến bao nhiêu nhưng nếu có sự cố gắng thì mảnh đất ấy chắc chắn sẽ nở hoa”.