Trong chiều 20/7, 2 địa điểm được chọn trao tiền hỗ trợ tượng trưng, mỗi điểm 10 người nhận là tại trụ sở UBND phường 5 và UBND phường 7, thành phố Sóc Trăng. Do quy định về giãn cách xã hội, phòng ngừa lây lan dịch bệnh nên những người bán vé số được test nhanh (miễn phí) COVID-19 trước khi đi nhận tiền hỗ trợ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Theo ông Lê Văn Khanh, Chủ tịch Công ty Xổ số kiến thiết Sóc Trăng, tổng kinh phí hỗ trợ đợt này là trên 5,67 tỉ đồng từ nguồn tiền của doanh nghiệp. Do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỉnh Sóc Trăng thực hiện Chỉ thị 16 đến hết ngày 5/8 nên Công ty đã trình UBND tỉnh xin tiếp tục hỗ trợ cho người bán vé số, dự kiến sẽ trao đợt 2, mỗi người thêm 780.000 đồng, tổng kinh phí khoảng trên 4,9 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Ché (56 tuổi, ngụ phường 5, thành phố Sóc Trăng) cho biết, khoảng 10 ngày nay không đi bán vé số và mất thu nhập. Nhà bà có 4 miệng ăn, nhờ vào tiền lời bán vé số mỗi ngày kiếm được khoảng 300.000 đồng của bà. Nhờ tiết kiệm nên mấy ngày qua còn có cái ăn, giờ có thêm tiền hỗ trợ, giúp gia đình có tiền mua rau, mua gạo, bớt lo hơn…
Ông Dương Sà Kha, Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết: Ngoài trao tại 2 điểm trong chiều 20/7, những người bán vé số còn lại sẽ sớm nhận được hỗ trợ qua hệ thống Mặt trận các cấp trong vài ngày tới.
Trong đợt dịch COVID-19 nửa đầu năm 2020, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sóc Trăng cũng đã hỗ trợ trên 6,2 tỉ đồng cho gần 6.300 người bán vé số dạo bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
* Ngày 20/7, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2021), Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cùng đoàn công tác tỉnh Nam Định đã làm việc với lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định và thăm, tặng quà công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy AMARA Việt Nam (huyện Trực Ninh).
Trao quà cho 70 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy AMARA Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định ghi nhận những nỗ lực, cố gắng vượt lên khó khăn, gắn bó với nhà máy, góp phần duy trì, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của lực lượng công nhân người lao động trong tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Nam Định mong muốn, công nhân, lao động chia sẻ khó khăn, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ảnh hưởng, tác động của đại dịch COVID-19 nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định yêu cầu, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trong tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tổ chức công đoàn các cấp quan tâm, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất cho công nhân, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; lưu ý đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh ý kiến, kiến nghị, khó khăn vướng mắc của lao động với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tránh tình trạng đình công, ngừng việc tập thể...
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ 226 công nhân lao động theo Quyết định 1921/QĐ-TLĐ ngày 12/1/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với số tiền 228 triệu đồng. Hiện tổ chức công đoàn các cấp đang triển khai hướng dẫn trợ cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 theo Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nhằm giảm bớt khó khăn cho công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh thực hiện lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến 31/12/2021 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Năm 2020 các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ cho người lao động 2,7 tỷ đồng; đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
Nam Định có hơn 9.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với hàng chục nghìn lao động đang làm việc. Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp tại địa phương này vẫn an toàn; duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Để đảm bảo an toàn cho người lao động tại khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ, duy trì sản xuất, tỉnh đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch; xây dựng phương án phòng, chống dịch trong mọi tình huống. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tổ chức diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà máy lớn ở khu, cụm công nghiệp, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.