Nỗ lực vươn tới ước mơ
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1939, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ, với ước mơ trở thành thầy thuốc để chữa bệnh cho người nghèo, cậu bé Nguyễn Ngọc Minh đã quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu đặt ra của mình.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cậu học trò Nguyễn Ngọc Minh trúng tuyển vào Đại học Y khoa. Dù cuộc sống có nhiều vất vả khi đất nước trong thời kỳ chiến tranh nhưng với sự ham học, đam mê nghiên cứu khoa học của mình, sinh viên Nguyễn Ngọc Minh đã tận dụng mọi thời gian, điều kiện để tiếp cận tài liệu nghiên cứu chuyên môn y khoa, trau dồi kiến thức cho mình.
Tốt nghiệp Đại học Y khoa, ông được phân công về Bệnh viện Bạch Mai công tác từ năm 1959. Từ năm 1966 - 1975, ông chuyển về công tác tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Tháng 5/1975, ông được Bộ Y tế điều chuyển đến làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế - Đại học Y Huế.
Công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế được gần 2 năm, ông được cử đi học tập sau Đại học tại nước ngoài. Học tập ở môi trường giáo dục tiên tiến, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh đã tiếp thu nhiều kiến thức về y học hiện đại và chuyên ngành huyết học truyền máu. Năm 1979, sau khi trở về nước, ông cùng Giáo sư Bạch Quốc Tuyên (Giáo sư đầu ngành Huyết học truyền máu tại Bệnh viện Bạch Mai) đề xuất cải tiến nội dung giảng dạy chuyên ngành Huyết học ở Việt Nam, bổ sung thêm các phần bệnh về máu và giới thiệu một số phân loại bệnh theo quốc tế, xây dựng chuyên ngành huyết học và truyền máu. Ông đã trình Bộ Y tế Dự án thành lập Trung tâm Huyết học khu vực miền Trung, được Bộ cho phép xây dựng và bổ nhiệm chức danh Giám đốc.
Năm 1989, ông nhận học vị Tiến sĩ, năm 1991, được phong học hàm Phó Giáo sư. Ông đã kết hợp với một số Giáo sư đầu ngành ở các nước tiên tiến để đưa khoa học kỹ thuật mới ứng dụng trong việc ghép tế bào gốc tạo máu và điều trị một số bệnh máu ác tính cho 6 trường hợp đầu tiên tại Thừa Thiên - Huế năm 2022.
Đặt nền móng hoạt động hiến máu tình nguyện
Tiếp xúc và nghiên cứu về hoạt động hiến máu ở nước ngoài, ông nhận thấy, tại Việt Nam, việc thực hiện mô hình bán máu dẫn đến tình trạng thường xuyên thiếu máu, không đủ cung cấp cho người bệnh. Vì vậy, ông đề xuất áp dụng chương trình hiến máu nhân đạo phù hợp điều kiện ở nước ta.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ, khi đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong những chuyến đi tìm hiểu ở các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số nước đã triển khai chương trình hiến máu nhân đạo, ông nghĩ đến hoạt động này có thể áp dụng ở Việt Nam. Bởi nền y học nước ta còn lạc hậu, nguồn máu để cứu chữa cho bệnh nhân hoàn toàn dựa vào đội ngũ người bán máu chuyên nghiệp và không có nguồn máu dự trữ...
Với kinh nghiệm và hiểu biết về truyền máu, ông cùng các thành viên trong Hội Chữ thập đỏ triển khai kế hoạch tuyên truyền về chương trình hiến máu tình nguyện. Năm 1993, chương trình hiến máu tình nguyện đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau đó lan tỏa ra khắp các tỉnh miền Trung và cả nước (năm 1995).
Do lần đầu thực hiện tại Việt Nam, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu gặp không ít khó khăn, trở ngại. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Minh nhớ lại, khi mới bắt đầu triển khai tuyên truyền, người dân đều suy nghĩ hiến máu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, để vận động, ông và cộng sự phải thuyết phục các đoàn thể, giải thích cho họ hiểu về sự sản sinh của máu trong cơ thể con người, nguy cơ thiếu máu cao nếu không có nguồn máu dự trữ... , từ đó thêm hiểu và tự nguyện tham gia hiến máu.
Chương trình hiến máu tình nguyện đầu tiên do Hội Chữ thập đỏ và sinh viên các trường Đại học tổ chức, sau đó dần lan sang doanh nghiệp, các tổ chức từ thành thị đến nông thôn. Năm 1995, hiến máu tình nguyện đã trở một phong trào có sức lan tỏa khắp cả nước. Nhờ vậy, nguồn máu của Việt Nam ổn định, từ chỗ phải dựa vào nguồn máu của người bán máu chuyển sang hiến máu tình nguyện. Số lượng máu tăng nhanh, đáp ứng cơ bản nhu cầu truyền máu lâm sàng, cứu nhiều người qua cơn nguy kịch. Nhiều kỹ thuật mới được phát triển, đặc biệt trong ngành ngoại khoa ứng dụng các kỹ thuật cao, cấy ghép tạng, sản xuất ra nhiều chế phẩm thực hiện việc truyền máu từng phần.
Đặc biệt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Minh đề xuất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với ngành Y tế thành lập Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện từ cấp Trung ương đến địa phương để phong trào này lan rộng khắp, hoạt động bền vững.
Cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và cộng đồng
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Minh còn là một nhà giáo, nhà nghiên cứu, truyền lửa đam mê cho các thế hệ sinh viên.
Thầy Minh đã xây dựng lại Bộ môn Huyết học Truyền máu của Đại học Y Dược Huế, là người tiên phong cho sự thay đổi về định hướng cũng như chương trình đào tạo cho chuyên ngành này. Năm 2009, khi được mời vào công tác tại Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng với cương vị Phó Hiệu trưởng, thầy Minh đã đặt nền móng xây dựng khối ngành khoa học sức khỏe cho ngôi trường này trong suốt 14 năm cộng tác (2009 - 2023). Cùng với các cộng sự, ông lần lượt xây dựng chương trình đào tạo từ Cử nhân Điều dưỡng, Dược sĩ Đại học, bác sĩ Đa khoa, bác sĩ Răng Hàm Mặt, cử nhân Công nghệ Sinh học, cử nhân Kỹ thuật Y sinh đến các ngành sau đại học như Thạc sĩ Điều dưỡng, Thạc sĩ Tổ chức quản lý dược, Tiến sĩ Tổ chức quản lý dược và đang có hướng đào tạo tiếp tục các chuyên ngành khác khi đầy đủ điều kiện.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ, việc đào tạo sinh viên ngành Y trước tiên phải truyền tải tâm đức của người thầy thuốc và niềm đam mê với nghề. Bác sĩ không đơn thuần là chữa bệnh mà còn phải luôn động viên, chăm sóc người bệnh bằng lời nói, hành động xuất phát từ tâm. Đào tạo con người trong lĩnh vực Y học phải rất cẩn thận, tỉ mỉ, có chuyên môn và giàu lòng nhân ái.
Ngoài thời gian dạy học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Minh đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh sau Đại học. Đến nay, thầy Minh đã hướng dẫn bảo vệ luận án cho 10 Tiến sĩ, 54 Thạc sĩ; dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc biên soạn sách Y khoa. Các loại sách giáo khoa, giáo trình Đại học, sau Đại học của thầy biên soạn được sử dụng trong toàn quốc. Thầy có hơn 100 công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước, thuộc lĩnh vực: tế bào, hóa học tế bào, ghép tế bào gốc tạo máu, điều trị các bệnh ung thư máu, nghiên cứu về miễn dịch, di truyền, nghiên cứu về bệnh rối loạn cầm máu - đông máu…
Thầy tham gia nhiều hoạt động xã hội ở các lĩnh vực: 32 năm là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tham gia Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thường vụ Ban Chấp hành Công đoàn Y tế Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở. Ông có hoạt động 17 năm ở các cấp Hội Chữ thập đỏ, tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ, ông có 34 năm hoạt động xã hội tại Thừa Thiên - Huế và 14 năm ở Đà Nẵng. Tham gia các hoạt động xã hội, ông có cơ hội hòa cùng nhịp sống của người dân, đóng góp cho đất nước. Đặc biệt, thời gian là thành viên Ban Chấp hành của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông tích cực học hỏi kinh nghiệm hoạt động, tiếp cận tiến bộ của các quốc gia trên thế giới để áp dụng vào điều kiện thực tế nước ta. Đặc biệt, ông kêu gọi ủng hộ của Hội Chữ thập đỏ Thế giới hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế 4.000 căn nhà tiền chế và 20 tấn gạo trong đợt lũ lụt năm 1999.
Với những cống hiến to lớn cho nền Y học nước nhà và hoạt động xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Minh được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy hiệu Hồ Chí Minh, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Nhà quản lý xuất sắc thời kỳ hội nhập, Nhà sáng nghiệp Việt Nam và thế giới, Những gương mặt Giáo sư Việt Nam: Tài năng, trí tuệ và nhân cách...