Anh Mai Thanh Tùng, Bí thư Huyện đoàn Hải Hậu cho biết, những năm gần đây, phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi giúp nhau lập thân lập nghiệp” đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua các phong trào, xuất hiện nhiều mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế có hiệu quả, ngày càng có nhiều thanh niên năng động, dám nghĩ, dám làm, biết vươn lên tự làm giàu, lập nghiệp cho bản thân và còn giúp đỡ các thanh niên khác cùng nhau phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Văn Lạng, sinh năm 1994, trú tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu là một trong những đoàn viên, thanh niên tiên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Với nghề mộc truyền thống của gia đình, anh Lạng không ngừng đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng các cơ sở sản xuất, đồng thời học hỏi, tìm tòi phát triển những kiểu mẫu bàn ghế, mẫu tủ, kệ… mới để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo anh Nguyễn Văn Lạng, trong xu thế thị trường luôn biến đổi như hiện nay nếu chậm cải tiến sẽ bị tụt lại, vì thế các mẫu mã phải cách tân, biến đổi liên tục. Hiện nay, các mặt hàng đồ gỗ nội thất của gia đình anh đã có mặt tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh… và xuất khẩu sang cả thị trường Trung Quốc, với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, đoàn viên Nguyễn Văn Lạng còn giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên khác trong xã về vốn, kỹ thuật và liên kết trong sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế.
Đoàn viên Vũ Văn Nguyên, ở xã Hải Minh cho biết, gia đình anh thường làm đồ mộc thô, sau khi làm xong thì cửa hàng của anh Lạng sẽ nhập đồ về để hoàn thiện, rồi bán cho người tiêu dùng. "Chúng tôi thường trao đổi các mẫu mã mới trên thị trường, sau đó nghiên cứu cách tân sản phẩm rồi liên kết với nhau trong sản xuất để đạt lợi nhuận cao nhất", đoàn viên Vũ Văn Nguyên cho biết.
Mô hình trồng cây đinh lăng kết hợp với đào ao thả cá của đoàn viên Đinh Văn Thuận, sinh năm 1985, được xem như một mô hình phát triển kinh tế nổi bật của Đoàn thanh niên xã Hải Đông, huyện Hải Hậu.
Sau khi tốt nghiệp đại học và trải qua nhiều nghề để kiếm sống, năm 2013, anh Thuận về quê giúp gia đình trồng đinh lăng. Nhận thấy tiềm năng của cây dược liệu quý này, anh mạnh dạn thuê hơn 2ha đất ruộng, san lấp, cải tạo đất trồng. Đến nay, với diện tích gần 4 ha trồng đinh lăng, anh thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng.
Anh Đinh Văn Thuận cho biết, đinh lăng là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công sức chăm sóc như những cây trồng khác mà giá thành lại cao.
Hiện nay, Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco đã về tận địa phương ký kế hợp đồng với người dân bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm với giá cả ổn định. Vì vậy, những năm qua, nhiều đoàn viên trong xã đã tích cực chuyển đổi sang trồng đinh lăng mang lại nguồn nhu ổn định.
Để giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, các cấp bộ Đoàn trong huyện Hải Hậu đã triển khai có hiệu quả phong trào "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" với nhiều hoạt động thiết thực như tư vấn, giới thiệu việc làm, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp và mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt.
Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho đoàn viên vay vốn với số tiền trên 30 tỷ đồng và hỗ trợ 5 dự án thanh niên phát triển kinh tế với 244 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn…
Qua các phong trào thanh niên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, đến nay, huyện Hải Hậu đã có 40 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân mỗi người 120 triệu đồng/năm, qua đó phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ xứng đáng với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.