Ông Sùng Diu Sì - 'Tỷ phú' người Mông đi đầu trong phong trào sản xuất giỏi

Với ý chí và quyết tâm không chịu đói nghèo, người nông dân dân tộc Mông, ông Sùng Diu Sì (thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) đã tiên phong đưa cây ăn quả đặc sản về trồng trên đất đồi rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chú thích ảnh
Ông Sùng Dìu Sì chăm sóc vườn nhãn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trước năm 2000, gia đình ông Sùng Diu Sì còn là hộ khó khăn, các con còn nhỏ, thiếu sức lao động, không có vốn, kinh nghiệm sản xuất lạc hậu. Nhận thấy vùng đất Vĩnh Sơn màu mỡ, hợp phát triển cây ăn quả như cam, nhãn… nên ông Sì đã có ý tưởng phát triển mô hình kinh tế vườn đồi.

Thực hiện phong trào thi đua của Hội nông dân tỉnh Hà Giang phát động “Nông dân sản xuất giỏi” và “Phát triển kinh tế VAC và vườn rừng” ông Sì đã mạnh dạn vận động gia đình phá bỏ vườn tạp, tập trung phát triển cây ăn quả.

Nhìn những vườn cây với hoa và quả non sai chi chít, hứa hẹn những mùa bội thu, ai cũng mừng cho ông. Ấy vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, những cây cam đang xanh tốt bỗng nhiễm bệnh, lá ngả vàng, thối rễ;  vườn nhãn rất sai hoa nhưng không đậu quả. Theo ông Sì, nguyên nhân là do thời tiết có lúc bất thường khiến cây ra hoa, đậu quả gặp khó khăn.

Để khắc phục nhược điểm này và nâng cao kiến thức về cách chăm bón cây ăn quả, ông Sì đã tìm đến Hội nông dân huyện Bắc Quang học hỏi những người có kinh nghiệm về cây ăn quả. “Tôi tin rằng cây cam và cây nhãn là cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn những loại cây trồng khác, bởi nó hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên tôi quyết tâm trồng bằng được”, ông Sì tâm sự.

Sau khi học các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, cộng với áp dụng chính sách phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp sạch; đặc biệt là được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng để phát triển, mở rộng sản xuất theo mô hình nông nghiệp hiện đại, ông Sì đã mạnh dạn đi đầu áp dụng.  

Ông Sì cho biết: “Khi mới ươm trồng, tôi đã về các tỉnh miền xuôi học hỏi kinh nghiệm trồng cây cam Vinh, cam sành, nhãn miền Nam… và mua thêm cây giống về trồng”. Đất không phụ công người, những cây ăn quả đặc sản đã bén rễ, đâm chồi, nảy lộc và bước đầu đậu quả.

Để có được thành quả này, việc đầu tiên, ông Sì vận động gia đình phá thế độc canh cây lúa, chặt bỏ vườn rừng cây keo sang trồng cây ăn quả. Và từ năm 2003, ông đã xây dựng mô hình trang trại gia đình với mức thu nhập ban đầu từ cây ăn quả khoảng 150 triệu đồng mỗi năm, đủ trả một phần khoản vay nợ ngân hàng, chi phí mua cây giống, phân bón và trả công lao động.

Ngoài chăm sóc vườn cây ăn quả, gia đình ông đã tận dụng triệt để đất ven đồi, bờ ao để trồng xen canh cây chuối, ngô làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt, ngan, cá. Đến nay, trang trại của gia đình ông Sì đã phát triển với quy mô trên 6,6 ha.  

Từ mô hình của ông Sì, nhiều người dân quanh vùng đã đến học hỏi kinh nghiệm. Tiếng lành đồn xa, gia đình ông Sùng Diu Sì là một trong số những hộ làm ăn kinh tế giỏi nhất trong thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.  

Trước nhu cầu ngày càng lớn của thị trường đối với quả nhãn, quả cam, từ năm 2014 trở lại đây ông Sì đã nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hoạch, bảo quản tốt. Nhờ đó, vườn cây đặc sản của gia đình ông phát triển nhanh, không bị sâu bệnh, cho sản lượng quả ổn định và nâng cao thu nhập.

“Năm 2016, thu hoạch của gia đình tôi từ vườn cây ăn quả và chăn nuôi đạt 1,6 tỷ đồng, đây là một năm thành công”, ông Sì phấn khởi cho hay.

Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó và nhạy bén trong cơ chế thị trường, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, gia đình ông Sì nói riêng và nhiều hộ dân khác ở Vĩnh Sơn nói chung đã trở thành điểm sáng trong mô hình phát triển kinh tế hộ, nhất là mô hình trồng cây ăn quả.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Sùng Diu Sì còn giúp đỡ cho trên 20 hộ dân trong và ngoài xã Vĩnh Phúc hơn 1.000 cành, cây giống trị giá 13 triệu đồng; Tận tình giúp đỡ bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Đặc biệt gia đình ông còn tạo việc làm ổn định cho 8 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 30 triệu đồng/người/năm; thời điểm vào mùa thu hoạch số lao động của địa phương đến làm cho gia đình ông tăng lên trên 30 người. Nhờ đó, phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc đã có bước tiến vượt bậc, nhiều hộ đã thoát nghèo và nay đang vươn lên thành hộ khá, giàu…

Theo lãnh đạo xã Vĩnh Phúc, không chỉ sản xuất giỏi, gia đình ông Sì còn luôn gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn, xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những gia đình khó khăn để cùng phát triển, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhờ sản xuất giỏi mà nhiều năm liền gia đình ông được tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Hộ nông dân kinh doanh, sản xuất giỏi” cấp tỉnh. Mới đây nhất, ông Sì đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định, giúp đỡ và tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Hà Giang, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mô hình phát triển kinh tế trang trại của gia đình ông Sì giờ đã là địa chỉ tham quan, học hỏi của nhiều nông dân tại huyện Bắc Quang. 

V.Tôn/Báo Tin tức
Lão nông đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại ở Tuyên Quang
Lão nông đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại ở Tuyên Quang

Ông Vũ Văn Lung (sinh năm 1951, ở thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là một người thành công trong phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Nhờ kết hợp trồng rừng, cây ăn quả, nuôi cá và trồng phong lan, hàng năm, gia đình ông thu nhập trên 800 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN