Hiến đất làm đường vui như Tết
Tôi đến “xóm vui” Đồng Dồi, thôn Lai Cách, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) khi con đường thẳng nối liền 4 xóm đã thành hình. Ở một vùng quê trong phố, người dân lại có nghề mộc, nghề xây trong tay như ở thông Lai Cách, kinh tế của người dân nơi đây khá ổn định. Những ngôi nhà 2 - 3 tầng với những khoảng sân rộng nay thêm bề thế với con đường rộng tới 5m chạy qua trục đường xóm Đồng Trán, Đồng Dồi, Đồng Tràng dài hơn 1km, với trên 70 hộ dân sinh sống.
Cựu chiến binh Nguyễn Trung Sắc (thôn Đồng Trán) là người đầu tiên dỡ nhà hiến đất làm đường. Có phần đất ở cả hai bên đường nên ông cũng là người hiến phần đất nhiều nhất, lên tới hơn 150m2. Diện tích ấy tính theo giá thị trường hiện nay cho mảnh đất Hà Nội “tấc đất, tấc vàng” thì cũng ngót nghét cả tỷ đồng. Theo ông Sắc, xóm làng ngày một đổi mới, khang trang mà con đường vào xóm thì nhỏ hẹp, tránh sao khỏi khi xô, khi đụng.
Năm 2018, khi xã đưa ra đề xuất chỉnh trang ngõ xóm, người dân đều đồng lòng. Sau 2 lần điều chỉnh, mỗi hộ lùi vào tới 1,25m để biến con đường nhỏ thành con đường ô tô vào được rộng tới 5m. Có nhà dỡ tường, nhà ngăn ao đổ đất nới rộng con đường cũ. Hôm ấy, đàn ông phụ trách vôi, vữa, còn cánh phụ nữ xếp bộ dàn âm thanh hát phục vụ.
Chuyện làm đường của xóm vui như thể hội làng.
Nghệ nhân hiến đất xây nhà văn hóa
Đến thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, hỏi đường đến nhà “ông Thanh hiến đất” - nghệ nhân văn hóa Lê Hải Thanh, tôi hết sức bất ngờ khi người dân ở cách cả chục km vẫn chỉ tường tận có bao nhiêu lối rẽ, chính xác đến từng mét khi so trên đồng hồ xe máy.
Lê Hải Thanh là phiên âm tên trong tiếng dân tộc Dao quần trắng của nghệ nhân văn hóa Rêu Cỏng. Ngày ông hiến 1.200 m2 đất đồi cho làng xây dựng nhà văn hóa, cả 25 thôn ở Mỹ Bằng đều đã có nhà văn hóa, chỉ có xã nghèo nhất là Đá Bàn 1 chưa có chốn sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Khi ấy, nhân dân vừa tập trung xây dựng đường bê tông nên kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng trước đóng góp tự nguyện của Chi hội trưởng Hội người cao tuổi Lê Hải Thanh, cả thôn lại nhất trí xây cho được nhà văn hóa tại trung tâm của thôn để thuận tiện cho nhân dân họp thôn, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Giờ thôn xóm có việc không cần phải mượn nhà dân. Từ họp Cựu chiến binh, công tác của chi hội phụ nữ, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân cho đến buổi lễ quan trọng lễ thượng thọ cho các cụ cao tuổi trong thôn được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm cũng diễn ra trang trọng và vui tươi trong ngôi nhà sàn làm bằng bê tông, lợp tôn mát. Sắp tới đội bóng chuyền hơi của thôn, đội múa hát biểu diễn lời ca tiếng hát của dân tộc Dao quần trắng sẽ đi giao lưu với các thôn bạn, không khí tập luyện, chuẩn bị vui như Tết.
Ông Lê Thanh Hải chia sẻ: Chỉ vài năm mà Đá Bàn thay đổi rõ rệt. Từ một thôn 100% đường đất, nay có đường bê tông, có nhà văn hóa, xóm tăng từ 8 hộ, 100 nhân khẩu năm 2013 lên thành 150 hộ với trên 700 nhân khẩu.
Công tác dân vận khó nhất là với chính gia đình mình
Bí thư chi bộ, trưởng thôn Ninh Hòa, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Đáng vẫn còn nhớ như in ngày ông quyết tâm hiến đất để làm con đường liên thôn, giúp cho bà con dân tộc Sán Dìu có đường đi lại thuận lợi.
Trước đó, con đường liên thôn vừa nhỏ vừa bụi bặm, khi trời mưa thì lầy lội khó khăn. Hiếm có đứa trẻ nào đi học mà không lấm lem bùn đất.
Trước chủ chương chung góp đất để làm đường, UBND xã, chi bộ, các cơ quan đoàn thể họp bàn cùng người dân để định hình được con đường bê tông kéo dài qua những ngõ xóm chung.
Những tưởng bà con hào hứng thì việc gì cũng dễ dàng, ai ngờ cái khó xuất hiện nay trong chính ngôi nhà của trưởng thôn Nguyễn Văn Đáng. Ông kể: “Tôi là trưởng ban công tác mặt trận, đi đến đâu vận động người dân thì dễ dàng mà về động viên gia đình vợ con rất khó, vì đồi cây gần được thu hoạch, trồng cây gần được ăn quả. Không có kinh phí đền bù, tôi động viên vợ con gần 2 tháng mới xuôi, đồng ý cho đất.”
Tư tưởng đã thông, gia đình ông Đáng chặt hơn 1.000 cây bạch đàn và keo 25 cây ăn quả, hiến cho tập thể hơn 2000m2 đất vườn đồi, góp gần 20 triệu đồng thuê máy xúc san phẳng cả ngọn đồi cho bà con làm đường. Đến đây, con đường rộng 4m cứ ào ào nối thẳng. Trong 3 năm, thôn Ninh Hoà 2 trở thành thôn tự quản làm điểm khi bê tông hóa nhanh chóng 30km đường liên thôn, xây dựng 2 cầu tràn. Sau hơn 6 năm đưa vào sử dụng, các công trình phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất kinh tế của người dân trong thôn.
Từ những tấm gương tiên phong, phong trào hiến đất giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi đã lan tỏa ra khắp cả nước, góp phần tạo thành những “con dường mùa xuân” để đất nước đi lên.