Trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng dịp này, lĩnh vực Quốc phòng có hai cá nhân được tuyên dương, đó là Thượng úy Lê Hảo (Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7) - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và Thượng úy Vũ Trung Kiên (Trưởng ngành Vũ khí dưới nước, Tàu 015, Lữ đoàn 162, Vùng 4, Quân chủng Hải quân) - Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng.
"Thủ lĩnh" Đoàn mang màu áo lính với những mô hình sáng tạo
Thượng úy Lê Hảo (sinh năm 1994 tại Gia Lộc, Trảng Bàng, Tây Ninh) xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng đặc biệt. Ông nội anh là Liệt sỹ Lê Văn Minh, hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Cả họ nội và họ ngoại của anh có đến 11 người là liệt sỹ.
Có lẽ vì sự thôi thúc từ truyền thống cách mạng của gia đình, nên dù đã thi đỗ và đang học năm thứ ba tại Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, anh vẫn quyết định bỏ ngang, sau đó thi đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị với vị trí á khoa. Năm 2020, Lê Hảo tốt nghiệp thủ khoa Trường Sĩ quan Chính trị. Anh không lựa chọn hay đề đạt nơi làm việc của mình mà chấp thuận mọi sự phân công của quân đội, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì để phục vụ tốt cho quân đội và đất nước. Sau đó, anh được phân công công tác tại Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh Thành Phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
"Hằn sâu trong ký ức tôi là những ngày tham gia “Tổ công tác đặc biệt”, làm nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, khâm liệm, mai táng, xử lý thi hài những nạn nhân không may qua đời vì dịch COVID-19. Đây là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, nguy hiểm, áp lực về tâm lý, sức khỏe bởi nhiều cán bộ, chiến sĩ lần đầu tiếp xúc với thi hài người bệnh. Phát huy hiệu quả mô hình “5 chủ động trong công tác tư tưởng”, trên cương vị Chính trị viên đại đội, Bí thư Chi bộ, tôi thường xuyên cùng tập thể cấp ủy, chỉ huy đơn vị nắm bắt, kịp thời định hướng tư tưởng, tâm lý cho bộ đội", Thượng úy Lê Hảo nhớ lại.
Nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt hoàn thành, Lê Hảo được phân công làm Trợ lý Thanh niên - cương vị ví như Thủ lĩnh của thanh niên lực lượng vũ trang Thành phố. Bám sát nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, anh đã cùng tập thể triển khai chương trình hành động Đại hội đoàn các cấp bằng những phong trào, mô hình, phần việc sáng tạo, cụ thể, thiết thực; tiêu biểu như phong trào: Tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng hành cùng thanh niên; Chương trình “Vì đàn em thân yêu”; các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật: “Thiết bị nạp đạn tự động SMPK 12 ly 7”; “Phần mềm kiểm tra nhận thức chính trị”; các mô hình: “Chi đoàn huấn luyện sẵn sàng chiến đấu giỏi”, “Xây dựng lực lượng dân quân mẫu mực, tiêu biểu, trách nhiệm”...
Đặc biệt, anh là tác giả của mô hình “Chi đoàn 3 xung kích”, một mô hình chưa từng được triển khai trong quân đội. Hiện mô hình này đã được ghi nhận, áp dụng ở nhiều đơn vị trong Quân khu 7. Ý tưởng của mô hình này đến với Lê Hảo qua việc anh đi thực tế nhiều đơn vị và thấy rằng, ở không ít nơi, phong trào thanh niên đôi lúc còn rập khuôn, đi vào lối mòn, trong khi đó đoàn viên, thanh niên lại luôn mong muốn có sự tươi mới, hấp dẫn trong các hoạt động.
Mới đây, Thượng úy Hảo còn xây dựng mô hình đấu tranh trên không gian mạng, thông qua việc sử dụng công nghệ đa phương tiện, khai thác tối đa các phương tiện: Đọc, viết, nghe, nhìn…, giúp các bạn trẻ trong quân ngũ tham gia bảo vệ an toàn không gian mạng, tránh những luận điệu xuyên tạc lịch sử.
Với những đóng góp của mình, Thượng úy Lê Hảo đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn, Thành ủy và Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh... Năm 2019, anh được nhận danh hiệu “Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân”.
Dấu ấn trên đấu trường quốc tế
Tháng 8/2021, sau một năm về Tàu hộ vệ tên lửa 015 - Trần Hưng Đạo (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) nhận công tác với vai trò Trưởng ngành Vũ khí dưới nước, Thượng úy Vũ Trung Kiên (sinh năm 1997) đã góp phần cùng Đội tuyển Cứu hộ - cứu nạn của Hải quân nhân dân Việt Nam giành một giải Nhất tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021. Với anh, đây có là một trong những kỷ niệm đặc biệt nhất trong đời quân ngũ.
Tham gia Hội thao quân sự quốc tế Army Games, Vũ Trung Kiên được giao nhiệm vụ tập luyện, làm chủ, nắm bắt quy chế, trang thiết bị thi đấu, cùng với thành viên trong đội thành lập kíp luyện tập và thi đấu nội dung "Sử dụng phương tiện cứu sinh trên biển". Tham gia huấn luyện 114 ngày tại Việt Nam và 14 ngày tại Liên bang Nga, kết quả các giai đoạn anh đều đạt loại khá, giỏi; góp phần cùng đội tuyển Cứu hộ - Cứu nạn giành đồng giải Nhất nội dung thi “Sử dụng phương tiện cứu sinh trên biển” trong khuôn khổ môn thi “Cúp biển” tại Army Games 2021.
Nhớ lại hành trình tại Hội thao Quân sự quốc tế, Thượng úy Vũ Trung Kiên cho biết, khi vừa đặt chân tới Nga, đội thi của anh đã gặp thử thách bất ngờ: Tới khi luyện tập ở Trung tâm Huấn luyện thể thao dưới nước của Hạm đội Thái Bình Dương (Hải quân Nga), cả đội mới biết những trang bị sử dụng trong thi đấu như áo cứu hộ, phao, mái chèo… khác hoàn toàn so với trang bị luyện tập ở Việt Nam. Anh cùng đồng đội đã phải rút tiến hành luyện tập và sửa lại động tác cho nhau.
"Bộ trang phục cứu sinh cao 2 m, nặng 16 kg khi khô và 25 kg khi ướt là quá khổ so với thể hình của người Việt Nam nên phải luyện tập nhiều lần, nhanh nhưng không được rối. Kết quả thi đấu sau đó đã thể hiện nỗ lực của tất cả chúng tôi”, Thượng úy Kiên chia sẻ.
Cũng trong năm 2021, Vũ Trung Kiên còn đoạt giải Ba cá nhân Hội thi Mô hình học cụ năm 2021 do Lữ đoàn tổ chức. Trước đó, trong quá trình theo học chuyên ngành Ngư lôi - Pháo tại Học viện Hải quân, Vũ Trung Kiên đã đoạt giải Ba Olympic tiếng Nga toàn quân. Năm 2020, anh bảo vệ thành công khóa luận nghiên cứu thiết kế mạch bắn bom phản lực dàn phóng bom RBU-6000 và tốt nghiệp với danh hiệu học viên giỏi toàn khóa.
Những trải nghiệm quý giá của chàng sĩ quan trẻ tuổi còn gắn với những chuyến hải trình tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Năm 2022, anh đã cùng với tập thể ngành và tàu hoàn thành tốt các nhiệm vụ như: Chở Đoàn của Tư lệnh Quân chủng Hải quân đi kiểm tra Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; huấn luyện diễn tập RC-22, huấn luyện hiệp đồng trong nhiệm vụ CN-22, diễn tập VTH-22.
Trong quá trình tàu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Thượng úy Vũ Trung Kiên luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tham gia sửa chữa hỏng hóc nhỏ tính năng kỹ, chiến thuật hệ thống máy điều khiển bắn ПУРГА 3.9; kịp thời khắc phục sự cố máy КП13 trong quá trình cẩu nạp ngư lôi trong nhiệm vụ diễn tập, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị.
“Hành trình theo đuổi đam mê của tôi gắn liền với lòng yêu nước. Đối mặt với nhiều khó khăn gian khổ, song tôi luôn tự hào khi được là người sĩ quan Hải quân nhân dân Việt Nam”... Những chia sẻ đầy tâm huyết của Thượng úy Vũ Trung Kiên dường như cũng là tâm sự của thế hệ trẻ mang trên mình màu áo lính, mang trên vai trách nhiệm và tình yêu đối với Quân đội, với Tổ quốc, là động lực thôi thúc tuổi trẻ toàn quân luôn sẵn sàng phấn đấu và cống hiến.