Họ chính là những người đi đầu trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tình nguyện phục vụ cộng đồng, nhất là đối với ngư dân tại địa phương.
Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang được thành lập từ năm 2008, trực thuộc Tỉnh hội Khánh Hòa quản lý với 36 hội viên. Các hội viên đang sinh hoạt trong Hội phần lớn là cựu sinh viên của Trường Đại học Thủy sản (nay là Đại học Nha Trang) tham gia quân ngũ. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1979), họ theo tiếng gọi của Tổ quốc, gác bút nghiên lên đường tham gia cuộc bảo vệ đất nước. Hòa bình, họ trở lại trường để học, song gặp rất nhiều khó khăn, do chênh lệch tuổi tác, kiến thức đổi mới và hơn nữa, đó cũng là giai đoạn môi trường giáo dục đại học có sự thay đổi nhanh chóng: hiện đại và hội nhập. Nhiều người đã nỗ lực vượt lên khó khăn trước mắt, tiếp thu kiến thức... và trở thành những người có ích cho Tổ quốc.
Tiến sĩ Phạm Hồng Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang cho biết, với đặc thù hội viên sinh hoạt ở cơ quan đào tạo, nghiên cứu trình độ cao nên Hội sử dụng ưu thế của mình, phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học, các hội viên đã tự mình hoàn thiện bản thân, nỗ lực học tập và không ngừng trau dồi kiến thức về ngoại ngữ. Đến nay, hai phần ba hội viên là giảng viên có trình độ chuyên môn thạc sĩ, tiến sĩ và giữ nhiều vị trí quan trọng của nhà trường; hơn một nửa hội viên đều đạt trình độ tiếng Anh chuẩn IELTS trên 6.0.
Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang có nhiều đề tài phục vụ ngành thủy sản và nhiều địa phương trong cả nước như: “Đánh giá tác động của nghề khai thác tôm hùm giống đến cảnh quan môi trường và nguồn lợi thủy sản Nha trang”, “Nghiên cứu xây dựng rạn nhân tạo tại vịnh Nha Trang nhằm bảo về nguồn lợi thủy sản”… do cựu chiến binh, Tiến sĩ Trần Đức Phú (sinh năm 1964), Viện trưởng viện Khai thác nhà trường thực hiện.
Cá nhân Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang, đang giảng dạy các bộ môn liên quan đến kinh tế, cũng đóng góp không ít đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao, mang lại giải pháp thiết thực. Đơn cử, đề tài “Hoàn thiện, chuyển giao công nghệ nghề lưới rê hỗn hợp cho đội tàu lưới rê khơi tỉnh Khánh Hòa” làm chung với cựu chiến binh, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thảo. Đề tài này cung cấp kết quả là mẫu lưới rê hoàn toàn mới cho ngư dân Khánh Hòa, giúp họ thu lại nhiều lợi ích: Tiết kiệm tiền mua vật tư, bảo vệ môi trường và đặc biệt là cho năng suất đánh bắt cá cao 1,7 lần so với loại lưới rê cũ.
Các hội viên của Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang đã thực hiện trên 20 đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ và cấp Nhà nước. Theo đánh giá của các hội đồng nghiệm thu đề tài, các nghiên cứu đều góp phần quan trọng trong giải quyết những vấn đề thực tiễn phát triển kinh tế biển Khánh Hòa.
"Chúng tôi xem nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học là góp phần giúp đỡ cộng đồng, xã hội cùng phát triển. Đặc biệt, hướng đến hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2030, đưa Trường Đại học Nha Trang trở thành trường đại học đa lĩnh vực có uy tín đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Đông Nam Á về lĩnh vực khoa học thủy sản và một số ngành kinh tế biển", Chủ tịch Hội Cựu chiến binh nhà trường Phạm Hồng Mạnh thông tin.
Ngoài việc nghiên cứu các công trình khoa học theo chuyên ngành, chuyên môn, các cựu chiến binh còn đóng góp tích cực ở mảng nghiên cứu tham vấn chính sách từ cấp Trung ương đến các địa phương, nhiều đóng góp đã đi vào cuộc sống như: Chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ ngư dân trong phát triển kinh tế biển; nhìn lại phát triển ngành thủy sản Việt Nam: Một số khuyến nghị chính sách; đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ để thúc đẩy tăng truởng kinh tế tại Việt Nam…
Tiến sĩ Phạm Hồng Mạnh cho biết thêm, phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong Trường Đại học Nha Trang tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng cho sinh viên; chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho đồng chí, đồng đội. Đặc biệt, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, Hội thực hiện các chương trình chăm sóc, thăm hỏi, tặng quà các hộ cựu chiến binh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại xã Suối Tân (huyện Cam Lâm), xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh), huyện Khánh Sơn...
Ông Trần Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa đánh giá, những năm qua, các hội viên của Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Nha Trang luôn tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Hội gắn liền với nhiệm vụ chính trị của Trường Đại học Nha Trang, đào tạo nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ chuyên môn đa lĩnh vực, trong đó lĩnh vực thủy sản là thế mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tập thể điển hình tiên tiến xuất sắc trong công tác Hội, là đơn vị tiêu biểu của phong trào xây dựng Hội trong sạch vững mạnh giai đoạn 2014 -2019.