Hộ ông K'sor Khưp, dân tộc J'rai, ở xã Hà Bầu, huyện Mang Yang (Gia Lai) chỉ có 3 nhân khẩu, trong đó có 2 lao động chính, nhưng trước đây vẫn thiếu ăn. Năm 2010, khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, ông quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, trên cơ sở mở rộng diện tích và đưa vào trồng các loại cây kinh tế. Từ vùng đất rẫy, ông chuyển sang trồng 2 ha cà phê, gần 2 ha lúa nước hai vụ, 3 ha cao su tiểu điền; phát triển nhanh đàn gia súc lên 10 con bò và 25 con lợn. Một số diện tích đã cho thu hoạch, đạt năng suất cao, bình quân mỗi năm gia đình ông có mức thu nhập đạt khoảng 200 triệu đồng (đã trừ các khoản chi phí). Trong những năm tới, dự kiến mức thu nhập sẽ còn cao hơn, khi diện tích cao su đưa vào khai thác và đàn bò đến thời kỳ sinh sản.
Một hộ dân ở huyện Chư Pưh, Gia Lai vươn lên thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. |
Hộ bà Đinh Hmei, dân tộc Bahnar, ở làng Nhang Lớn, xã Kơ Ning (huyện Konchoro), từ chỗ đói nghèo nay đã vươn lên có cuộc sống khá giả, cũng nhờ thay đổi cung cách làm ăn mới, sử dụng có hiệu quả quỹ đất canh tác bằng việc thay đổi cây trồng và cho năng suất cao. Với quỹ đất canh tác 7 ha, trước đây phần lớn diện tích còn bỏ hoang hóa, một ít diện tích trồng các loại cây truyền thống như lúa nương rẫy, mỳ địa phương... hiện nay bà Đinh Hmei đã chuyển hết diện tích sang trồng ngô lai, mỳ cao sản và hoa màu, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng (đã trừ các khoản chi phí). Bên cạnh đó, bà còn giúp đỡ thêm cho nhiều hộ trong làng biết cách làm ăn thoát nghèo bền vững. Nhận thấy việc nắm bắt kiến thức là rất quan trọng và quyết định trong cuộc sống, nên bà quyết tâm cho con theo học, không mù chữ như đời mình...
Đó là hai trong số hàng chục ngàn hộ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã biết sử dụng "chiếc cần câu" để phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc ở các buôn làng. Có khá nhiều hộ thu nhập đến tiền tỷ mỗi năm từ việc trồng trọt và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 54.500 hộ nông dân được công nhận đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, đặc biệt trong đó có gần 16.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi là đồng bào dân tộc thiểu số người Bahnar và J'rai.