Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Nhiệt huyết và đam mê vì một nông nghiệp bền vững

"Hãy bắt tay vào làm, bạn sẽ có đam mê”, là lời nhắn nhủ của chị Đặng Thị Nguyệt Quế, giảng viên Bộ môn Khoa học cây trồng và Phát triển nông thôn, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Bạc Liêu đến các sinh viên của mình.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hậu Giang phì nhiêu, tươi đẹp nhưng chị Đặng Nguyệt Quế lại bén duyên với “xứ cơ cầu” Bạc Liêu. Lập thân, lập nghiệp trên vùng đất với nhiều lạ lẫm, khó khăn nhưng chị đã vượt qua bao trở ngại để sống nhiệt huyết và làm hết mình, bước đầu gặt hái những thành công, được nhà trường, gia đình và xã hội công nhận.

Xuất thân trong gia đình khó khăn, gian khổ, mất cha mẹ từ nhỏ, chị Nguyệt Quế đã ý thức được hoàn cảnh của mình để nỗ lực vượt lên trên hoàn cảnh để sống và học tập. Ra trường năm 2012, với tấm bằng Kỹ sư nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cùng với bao hoài bão, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Quế xin về giảng dạy tại Bộ môn Khoa học cây trồng và Phát triển nông thôn thuộc Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Bạc Liêu.

Chị Quế cho biết: “Ban đầu, tôi chưa xác định sau này sẽ theo con đường sư phạm nhưng rồi cái duyên cái nghiệp đưa đẩy đến với nghề dạy học, lâu dần tôi yêu nó từ lúc nào không biết. Đứng trên bục giảng, trao truyền cho các sinh viên những kiến thức, tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào”.

Về công tác tại Trường Đại học Bạc Liêu, chị Quế được phân công phụ trách giảng dạy các học phần: Sinh lý thực vật, Sinh học phân tử, Khoa học cây trồng, Kiểm dịch thực vật và dịch hại nông sản sau thu hoạch, Dịch tễ học bảo vệ thực vật, Chọn giống cây trồng bảo vệ thực vật... Sau những giờ miệt mài hoạt động chuyên môn, chị tiếp tục dấn thân vào những công trình, những nghiên cứu khoa học mà mình theo đuổi từ thuở sinh viên về cây lúa.

Chị Quế tâm sự: “Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất của cây lúa từ xưa đến nay, nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng như nơi tôi công tác hiện nay là một trong những tỉnh chuyên canh cây lúa lớn của đồng bằng. Do đó, tôi lấy cây lúa làm chủ thể nghiên cứu chính với mong muốn nâng cao chất lượng của cây lúa, làm sao cho cây lúa hạn chế những bệnh tật, những rủi ro, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để đạt năng suất cao nhất giúp bà con đỡ khổ, vươn lên làm giàu từ chính cây lúa”.

Nhiệt huyết và đam mê ấy đã giúp người nữ giảng viên trẻ bước đầu hoàn thành những công trình nghiên cứu có ý nghĩa, mang tính thực tiễn cao, góp phần thành công vào công tác sản xuất nông nghiệp như: “Thanh lọc giống lúa mùa một bụi đỏ theo hướng phẩm chất tốt cho vùng lúa - tôm huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu”, “Tình hình gây hại của nhện gié trên lúa hè thu năm 2013 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu”, “Đánh giá sự sinh trưởng và phát triển của bốn giống lan Dendrobium trên năm công thức giá thể khác nhau trồng tại thành phố Bạc Liêu”...

Vừa là một giảng viên trực tiếp đứng lớp, lại đam mê nghiên cứu nên chị Quế có điều kiện tiếp xúc hơn với nhiều sinh viên khi hướng dẫn các em thực hiện đề tài nghiên cứu. Nữ giảng viên trẻ cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học cần phải có sự đam mê và đầu tư đúng mức để tìm tòi và phát hiện ra những điều mới mẻ có ích cho xã hội.

Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học giúp thực hành các phương pháp nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên rèn luyện cho mình bản lĩnh suy luận độc lập, tư duy sáng tạo, qua đó học tập được tốt hơn. Đây là bước đệm, hành trang tốt cho các em khi ra trường. “Hãy bắt tay vào làm, bạn sẽ có đam mê”, chị Quế nhấn mạnh.

Bên cạnh thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chị Quế còn là một Bí thư Đoàn khoa năng nổ, nhiệt tình. Chị thường xuyên tham gia công tác tình nguyện hè, hiến máu nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn thoát nghèo… Vận dụng chuyên môn với kiến thức sẵn có, trong các Chiến dịch Hè tình nguyện, chị Quế chịu trách nhiệm chính về công tác tập huấn kỹ thuật cho nông dân trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi như: “Kỹ thuật sản xuất lúa cao sản” cho nông dân trong Chiến dịch hè tình nguyện ở huyện Vĩnh Lợi năm 2012; thực hiện công trình hầm ủ biogas trong Chiến dịch Hè tình nguyện ở  huyện Đông Hải năm 2013; “Kỹ thuật sản xuất rau sạch” trong Chiến dịch Hè tình nguyện ở Vĩnh Lợi năm 2014; “Kỹ thuật trồng rau mầm” tại các huyện Phước Long, Vĩnh Lợi, Hồng Dân các năm 2015, 2016, 2017...

Với những cố gắng, nỗ lực và đóng góp trong công tác chuyên môn cũng như công tác Đoàn, Hội, chị Đặng Nguyệt Quế đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Đại học Bạc Liêu, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, UBND tỉnh Bạc Liêu... Mới đây nhất, trong tháng 9/2017, chị đã được tuyên dương là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực của tỉnh Bạc Liêu.

Nhật Bình (TTXVN)
Vừa khắc phục hậu quả lũ, vừa đón ngày Nhà giáo Việt Nam
Vừa khắc phục hậu quả lũ, vừa đón ngày Nhà giáo Việt Nam

Trong những ngày này, hòa chung với không khí đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cán bộ, giáo viên vùng “rốn lũ” Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa dồn sức khắc phục hậu quả sau lũ, vừa tổ chức dạy bù, và xây dựng các hoạt động có ý nghĩa để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN