Người xây dựng 'Con đường nhân ái' khắp các bản làng

Dù không sinh ra và lớn lên ở bản Ta Cơn - bản người Thái nằm ở phía Tây đèo Ta Cơn (thuộc xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), nhưng từ lâu người dân nơi đây đã xem anh Nguyễn Khang Dũng là người con của bản. Nhiều năm qua, anh Dũng luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương, không chỉ làm tròn trách nhiệm của đảng viên mà còn lan tỏa những hành động đẹp, nhân văn.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Khang Dũng. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Đi Quốc lộ 279 về phía Tây, qua trung tâm huyện Tuần Giáo khoảng 4km là đến đèo Ta Cơn, con đèo nằm giáp ranh giữa thị trấn Tuần Giáo và xã Chiềng Sinh, xuống tới chân đèo hỏi thăm nhà anh Nguyễn Khang Dũng, cán bộ Địa chính - Nông Nghiệp - Xây dựng và Môi trường của xã, ai cũng biết. Sinh năm 1985 tại quê lúa Thái Bình, sau khi học xong Trường Cao đẳng Xây dựng tại Quảng Ninh, anh Dũng làm cán bộ kỹ thuật cho một đơn vị xây dựng tại huyện Tuần Giáo. Rồi như một cơ duyên, nghĩa tình của người dân xã Chiềng Sinh đã “níu chân” anh ở lại. Năm 2015, anh quyết định mua đất, xây nhà và đưa vợ con dưới xuôi lên lập nghiệp ở bản người Thái bên chân đèo Ta Cơn hùng vỹ.

Ngày ấy, tất cả các con đường nội bản là đường đất chỉ rộng chừng một mét, gồ ghề và đứt gãy, nhân dân đi lại vô cùng khó khăn, đặc biệt là trẻ em đi học vào mùa mưa. Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm…”, cùng với sự thấu hiểu nguyện vọng của người dân, với vai trò là đảng viên, bản thân anh Dũng đã cùng với Chi bộ, cấp ủy, chính quyền xã ra sức vận động người dân tự nguyện hiến đất, hiến công và đóng góp một phần kinh phí để mua vật tư làm đường bê tông nội bản. “Kết hợp với tính năng mở của mạng xã hội và mối quen biết trước đây khi tham gia công tác Đoàn thanh niên, tôi đã kết nối với các nhà tài trợ, cùng chính quyền địa phương và nhân dân làm “Con đường nhân ái” đầu tiên tại bản Tà Cơn vào năm 2017”, anh Dũng phấn khởi chia sẻ.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Khang Dũng hướng dẫn người dân trong xã về chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Do bản thân có kỹ thuật về xây dựng, lại được nhân dân nhiệt tình ủng hộ nên cách làm này đã giảm được chi phí đáng kể, đồng thời cũng giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Người dân tự làm, có sự giám sát kỹ thuật của cá nhân, đơn vị chuyên môn nên chất lượng, độ bền và tuổi thọ con đường rất tốt. Cùng với đó, thông qua việc cùng nhau chung sức làm đường cũng đã giúp tăng tình đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng, nhân dân cũng có trách nhiệm cao hơn, nhận thức tốt hơn và đã hạn chế được sự trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.

Đến nay, anh Dũng đã cùng nhân dân huy động và chung tay làm được 12 “Con đường nhân ái” với tổng chiều dài khoảng 5km, bàn giao cho nhân dân các bản Ta Cơn, Che Phai 1, bản Hiệu, bản Dửn sử dụng. Trong đó, nhân dân tham gia hơn 1.000 ngày công lao động làm đường, tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất. Anh Dũng đã huy động được khoảng 400 triệu đồng để mua nguyên vật liệu cho nhân dân làm đường nội bản.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sinh Trần Hiến Giang, với cách làm hay, sáng tạo, đầy nhiệt huyết, có trách nhiệm của anh Nguyễn Khang Dũng trong triển khai mô hình “Con đường nhân ái” đã giúp người dân đi lại thuận lợi, được đồng bào tin tưởng, yêu mến, được đảng viên trong Chi bộ bản Tà Cơn tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ năm 2017. Anh Dũng đã được tuyển dụng làm cán bộ Địa chính - Nông Nghiệp - Xây dựng và Môi trường của xã.

Bên ngôi nhà sàn bê tông khang trang vừa được xây dựng, cụ Bạc Cầm Pánh, 85 tuổi ở bản Ta Cơn xúc động chia sẻ, gia đình ông xây được ngôi nhà này là nhờ “Con đường nhân ái”. Trước đây chỉ là lối mòn, nhỏ, dốc nên rất khó vận chuyển vật liệu xây dựng. Nhưng nay khác rồi, đường bê tông rộng thênh thang, đi lại thuận lợi vô cùng. Nhiều hộ khác trong bản cũng nhờ con đường này mà xây được nhà cửa khang trang. Từ lâu, dân bản chúng tôi đã coi cán bộ Dũng như người con của bản.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Khang Dũng (ngoài cùng, bên trái) cùng lãnh đạo xã Chiềng Sinh tuyên truyền, vận động người dân trong bản tham gia phong trào tại địa phương. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Không chỉ thành công với mô hình “Con đường nhân ái”, với quyết tâm học Bác để làm mọi việc vì dân, đảng viên Nguyễn Khang Dũng còn thực hiện thành công rất nhiều mô hình ý nghĩa khác. Có thể kể đến là mô hình “Thắp sáng bản làng”, xã hội hóa lắp 19 bóng điện chiếu sáng, giúp nhân dân đi lại thuận lợi và đảm bảo hơn về an ninh trật tự; vận động nhân dân và huy động kinh phí triển khai “Trồng cây gây rừng” với khoảng 5.000 cây xanh tại bản Ta Cơn, Che Phai 1 và trồng cây hoa ban trên tuyến Quốc lộ 279; xã hội hóa giúp người dân mua giống sắn lòng vàng, thực hiện mô hình “Nông nghiệp sạch” tại bản Ly Xôm (sản phẩm đã được tiêu thụ ra thị trường đạt hiệu quả kinh tế cao); huy động xây nhà nhân ái, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp thực hiện mô hình “Xây dựng nghĩa trang nhân dân thân thiện với môi trường” tại cụm Chiềng An, bản Ta Cơn; thực hiện thành công mô hình “Chia sẻ nỗi đau” giúp 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị mắc bệnh hiểm nghèo thuộc hộ nghèo vơi đi khó khăn trong cuộc sống...

Ở vị trí nào anh Nguyễn Khang Dũng cũng tích cực triển khai và lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động an sinh xã hội, huy động sức dân và các nguồn lực để làm đẹp bản làng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Anh đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…Đặc biệt, vừa qua anh đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên giới thiệu, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng, là điển hình thực hiện Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trung Kiên (TTXVN)
Người thương binh nặng 'tàn nhưng không phế' chung sức xây dựng bản làng giàu đẹp
Người thương binh nặng 'tàn nhưng không phế' chung sức xây dựng bản làng giàu đẹp

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", ông Đèo Văn Hải, sinh năm 1965, là thương binh hạng 3/4 ở bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đã vượt lên thương tật, phát huy tiềm năng, lợi thế của gia đình, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN