Tọa lạc trên khu đất 2.000 m2, bảo tàng có gần 4.000 hiện vật, tranh ảnh, tài liệu, tư liệu, mô hình… được trưng bày tại 10 khu vực riêng. Trong bảo tàng có một đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ, nơi khách tham quan chiêm ngưỡng, thắp hương tưởng niệm tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nước, vì dân.
Năm 1963, sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, ông Lâm Văn Bảng đi làm công nhân giao thông. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1965, trước tình hình giặc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, ông lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 16, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320. Đến tháng 2/1966, đơn vị của ông vào Nam chiến đấu.
Nhớ lại Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bị địch bắt và giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc, ông Lâm Văn Bảng tâm sự, những ngày trong tù bị địch tra tấn, các vết thương không được điều trị cứ chồng chất lên nhau. Thậm chí, khi được y tá điều trị vết thương, mỗi lần thay băng y tá không nương tay, giật băng gạc khiến vết thương tóe máu.
Bốn năm bị địch giam giữ trong tù với những vết thương nhức nhối như vậy, đến năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris. Năm 1979, ông Lâm Văn Bảng được chuyển về Trạm thu phí đường bộ phía Nam Cầu Giẽ, đến tháng 11/2003 thì nghỉ hưu.
Năm 1985, ông Bảng được giao nhiệm vụ sửa chữa Cầu Giẽ. Trong khi sửa chữa, phát hiện ra một quả bom tấn, ông cùng đồng đội đã vớt lên, rút hết thuốc và cho xây bệ trưng bày quả bom. Việc làm này của ông thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
"Sau đó tôi chợt nghĩ rằng góc khuất của chiến tranh là sự trả giá bằng xương máu. Tôi quyết tâm đi tìm kiếm, nhặt lại những mảnh vỡ của chiến tranh để tri ân những đồng đội đã hy sinh và cũng để phơi bày tội ác của đế quốc trong cuộc chiến tranh tàn bạo", ông Bảng nói.
Ông tập hợp một số cựu tù binh Phú Quốc và các nhà tù khác, liên hệ với Ban liên lạc tù binh ở các nơi như Hà Nội, Long An, Sài Gòn...; vào Nam ra Bắc sưu tầm tài liệu, hiện vật có giá trị tố cáo tội ác của đế quốc và tinh thần dũng cảm của anh em tù binh làm tư liệu cho Phòng truyền thống.
Khi đã có tư liệu, ông vận động gia đình xây dựng Phòng truyền thống ngay trên đất của tổ nghiệp. Phòng truyền thống ra đời, buổi đầu có 5 phòng với hơn 1.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu. Sau đổi tên là Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Đây là một bảo tàng tư nhân với phương châm "4 tự" (tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm). Bảo tàng đi vào hoạt động được tuyên truyền, giới thiệu, dần dần có tiếng vang, trở thành một địa chỉ đỏ…
Ngày 11/10/2006, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 1711 - QĐ/TU về việc thành lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên.
Sau khi khai trương bảo tàng, nhiều cơ quan, đơn vị ở trong huyện và các nơi đã về tham quan, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ. Giám đốc Bảo tàng Lâm Văn Bảng được nhiều nơi, nhiều ngành, trường học mời đi nói chuyện và những hiện vật, hình ảnh, tư liệu của bảo tàng đã được mang đi trưng bày tại các cuộc triển lãm để giáo dục truyền thống thế hệ trẻ, qua đó góp phần tố cáo tội ác của đế quốc, nêu cao tinh thần chiến đấu bất khuất, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trong nhà tù và truyền lửa cho các thế hệ…
Đặc biệt gần đây (từ ngày 22/3 đến 2/5/2018), Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã đem hiện vật đi triển lãm tại tỉnh Bắc Ninh, thu hút gần 20.000 người đến tham quan, chiêm ngưỡng. Ngày 8/7/2018, Đài Truyền hình Việt Nam và Bảo tàng đã phối hợp tổ chức Triển lãm tại đầu phố Tràng Tiền. Bảo tàng đã được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều tướng lĩnh Quân đội và đông đảo người dân đến tham quan.
Bảo tàng còn thành lập "Đội tiếp lửa truyền thống cách mạng" có trên 30 người với hơn 40 đạo cụ biểu diễn những tiết mục về truyền thống cách mạng, vai trò của Đảng trong đấu tranh bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Nhiều tiết mục, chủ yếu là ca khúc cách mạng do các thành viên của đội làm đạo diễn, biên đạo múa… biểu diễn khá sinh động, hấp dẫn.
Chiến tranh đã đi qua, đồng đội người còn, người mất, nhưng những kỉ vật thiêng liêng của họ được những đồng chí của mình tìm kiếm, lưu giữ sẽ còn mãi với thời gian, luôn nhắc nhở các thế hệ ghi nhớ công ơn của các bậc cha, anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
"Phải là người có tâm lắm mới làm được điều này" là ghi nhận của người dân đối với những việc làm của người cựu chiến binh Lương Văn Bảng. Suốt cả cuộc đời, ở bất cứ cương vị nào, ông Lương Văn Bảng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành.
Trong quân ngũ, ông được tặng hai Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, hai Huân chương Giải phóng, nhiều danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Ông được Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng biểu tượng Chiến sĩ bị địch bắt tù đày hoạt động Đảng trong các nhà tù của địch từ năm 1954 - 1975.
Ông cũng vinh dự nhận được gần 20 Bằng khen của các cơ quan từ bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể trao tặng; được tặng danh hiệu Người tốt - việc tốt huyện, thành phố, danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2014 và được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2018, ông Lương Văn Bảng được Chủ tịch nước biểu dương là một trong 70 Công dân Ưu tú toàn quốc.