Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10: 'Tư lệnh' chống dịch của ngành Y tế Hà Nội

Trên 35 năm công tác trong ngành Y tế, trải qua nhiều vị trí công tác, ở cương vị nào, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Đức Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng không ngừng nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ông là một "tư lệnh" chống dịch sâu sát quyết liệt, góp phần khống chế nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021 cho PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, chiều 8/10/2021. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

14 năm qua, người dân Hà Nội đã chứng kiến nhiều dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào địa bàn như: dịch tả, SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, Ebola... và hiện nay là đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó là các dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi.... bùng phát hằng năm. Với vai trò lãnh đạo Sở Y tế, phụ trách mảng Y tế dự phòng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh cùng với Ban Giám đốc Sở đã đề xuất, tham mưu kịp thời cho thành phố trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh dịch, xử lý ổ dịch kịp thời triệt để, qua đó đã khống chế thành công nhiều bệnh dịch nguy hiểm. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh đã tham mưu xây dựng Đề án nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đã được UBND thành phố phê duyệt, đây là cơ sở để hệ thống giám sát dịch được đầu tư cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có thể ứng phó có hiệu quả trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh. Khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh đã cùng tập thể Ban Giám đốc Sở Y tế tham mưu kịp thời thành phố chỉ đạo công tác phòng chống dịch xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch do chủng mới của virus Corona theo các cấp độ dịch, các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch theo diễn biến tình hình dịch phù hợp với thực tiễn của thành phố, góp phần trong công tác phòng, chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân Thủ đô.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trở thành đại dịch chưa có tiền lệ xảy ra trên toàn cầu và năm 2020 đã xâm nhập vào địa bàn Hà Nội, làm đảo lộn tình hình kinh tế - xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Với tất cả kinh nghiệm chống dịch dày dặn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh cùng với ngành Y tế Thủ đô đã góp công sức, trí tuệ vào thành công chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô kiểm soát được 3 đợt dịch COVID-19 tấn công vào địa bàn.

Diễn biến dịch COVID-19 ngày càng khó lường, đặc biệt đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của biến chủng Delta nguy hiểm và có tốc lây lan nhanh, đòi hỏi nhiều nhân lực tham gia chống dịch trong thời gian dài ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng công tác chống dịch cũng như tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.

"Để khống chế được đợt dịch này đòi hỏi những biện pháp chống dịch của thành phố phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn và thay đổi để phù hợp với cách thức biến đổi của chủng virus mới, chuyển sang chủ động tấn công để phát hiện sớm F0, cách ly kịp thời F1, tránh để dịch bệnh lan rộng. Cùng với xét nghiệm diện rộng, tập trung vào các khu vực nguy cơ cao và rất cao để phát hiện sớm, điều trị hiệu quả F0. Quan trọng nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho 70 - 80% dân số sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, thực hiện tốt 5K, kết hợp với các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh còn trực tiếp tham mưu thực hiện tốt công tác tiêm chủng, công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Nhiều năm liền, ngành y tế Hà Nội được Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đánh giá là địa phương triển khai có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đặc biệt về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh đã tham mưu thành phố xây dựng Chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2020, tầm nhìn 2030; Đề án "Triển khai mô hình cải thiện An toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại một số phường, thị trấn thuộc thành phố giai đoạn 2013-2015".

Ngoài công tác chuyên môn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh còn nghiên cứu và chủ nhiệm 4 đề tài khoa học, đề án cấp thành phố được phê duyệt, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống trên địa bàn thành phố; 51 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước, 3 bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học nước ngoài; xuất bản một cuốn sách về hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do virut Ebola tại cộng đồng và một cuốn sách về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được bạn đọc đón nhận. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh còn tích cực tham gia giảng dạy bộ môn Dịch tễ tại các trường Đại học trên địa bàn thành phố, hướng dẫn nhiều sinh viên bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp Đại học, luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ...

Với những đóng góp cho ngành Y tế Thủ đô, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh đã được Đảng, Nhà nước và các cấp tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân; Thầy thuốc Ưu tú; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2021; hai lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2015, 2021). Bộ Y tế tặng Bằng khen năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen năm 2019. Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2016, 2017, 2018, 2020. Ba lần ông đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố (năm 2009, 2013, 2017). Năm 2021, ông là một trong những cá nhân tiêu biểu vinh dự được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021.

Tuyết Mai (TTXVN)
Chủ tịch nước yêu cầu khen thưởng những tấm gương chống dịch 
Chủ tịch nước yêu cầu khen thưởng những tấm gương chống dịch 

Ngày 31/8, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản số 1115/VPCTN-TĐKT gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thông báo ý kiến của Chủ tịch nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN