Với cô Nhị, mỗi tiếng gọi “mẹ Nhị” của các em không chỉ là thành công trong nghề nghiệp mà còn là niềm hạnh phúc rất đỗi đời thường mỗi ngày.
Ước mơ xanh
Đỗ Thị Nhị (sinh năm 1990) tại vùng quê thuần nông xã Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), trong gia đình có 9 anh chị em. Khi lên 3 tuổi, mẹ Nhị qua đời, anh trai bị khuyết tật nên hoàn cảnh kinh tế gia đình càng khó khăn, tuổi thơ của Nhị thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Hàng ngày, anh em Nhị được những người hàng xóm cưu mang giúp đỡ, người cho vay gạo, muối; người cho quần áo, dày dép… để anh em Nhị được đến trường.
Nhị tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng tôi vẫn không ngừng mơ ước được trở thành cô giáo. Không phải cô giáo đứng lớp giảng bài mà tôi muốn trở thành cô giáo dạy trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, để tôi có cơ hội được chia sẻ, giúp đỡ nhiều người hơn, đặc biệt là các em thiệt thòi”.
Để thực hiện quyết tâm của mình, ngay từ khi còn nhỏ, Nhị đã làm thêm nhiều việc khác nhau như đánh giấy ráp ở làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh), đi chăn trâu, cắt cỏ mướn… dành dụm tiền đóng học. Trong những năm đi học phổ thông, Nhị luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi của lớp. Đến năm 2009, Nhị đỗ khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 với mong muốn xây dựng cho bản thân một nền tảng kiến thức vững chắc để thực hiện ước mơ ấp ủ từ khi còn nhỏ.
Không chỉ trau dồi kiến thức về chuyên môn, Nhị còn chủ động tham gia các hoạt động tình nguyện của trường, của câu lạc bộ. Nhị cùng các bạn tham gia các chương trình dạy học tình nguyện tại các trung tâm bảo trợ xã hội, làng trẻ em SOS, tham gia dạy học và cắt tóc cho trẻ em tại Ba Vì… Với tinh thần học hỏi, sáng tạo, không ngừng nỗ lực vươn lên, Nhị luôn là một trong những sinh viên xuất sắc của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, giành nhiều giải cao trong các hội thi, hội giảng sư phạm cấp trường, nhận được giấy khen, bằng khen các cấp.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013, Nhị nhận được rất nhiều lời mời về làm việc tại các trung tâm, trường học, các cơ sở giáo dục ở Hà Nội với mức lương cao nhưng Nhị đều từ chối. “Ngay từ khi lên đại học tôi đã mong muốn được cống hiến cho quê hương nên tôi quyết định trở về Bắc Ninh để thực hiện ước mơ của mình, truyền tải những kiến thức đã học được để hỗ trợ các em kém may mắn”, Nhị cho biết.
“Bình minh” của trẻ tự kỷ
Nhớ lại những ngày đầu trở về quê hương lập nghiệp với hai bàn tay trắng, cô cử nhân sư phạm gặp nhiều khó khăn do hạn chế về kinh phí, không có mặt bằng đáp ứng yêu cầu lập trường, trang thiết bị thiếu thốn, tự Nhị phải xoay xở khắp nơi. Với sự kiên trì của bản thân và sự giúp đỡ của các phụ huynh, các tổ chức thiện nguyện, những khó khăn ban đầu của Nhị cũng dần qua. Đến năm 2016, cơ sở mầm non chuyên biệt Bình Minh (tại phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) dành cho các đối tượng là trẻ khuyết tật, tự kỷ ra đời.
Mô hình giáo dục dành cho trẻ tại Bình Minh đáp ứng đa dạng về các dạng khuyết tật (khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật học tập, rối loại phổ tự kỷ, khiếm thính, trẻ tăng động giảm chú ý), can thiệp sớm cho đối tượng từ 18 tháng đến 6 tuổi, can thiệp phục hồi chức năng từ 6 - 13 tuổi và định hướng nghề, dạy nghề từ 13 - 15 tuổi cho các trẻ trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh như Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Hòa Bình…
Không chỉ xây dựng trường học xanh, thân thiện với học sinh, cô Nhị còn mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hệ thống máy tính để hỗ trợ giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung. Qua đó, xây dựng định hướng tin học với trẻ khuyết tật, giao lưu, kết nối trực tuyến với các cơ sở đồng dạng tại Việt Nam, đẩy mạnh công tác truyền thông tới cộng đồng, nâng cao nhận thức cho người dân về cách giáo dục và tiếp cận với trẻ khuyết tật.
“Công việc của tôi cần hơn hết là tình yêu thương chân thành, kiên nhẫn, tôn trọng và luôn hy vọng ở trẻ. Tôi không đơn thuần là người dạy học, điều trị tâm lý mà còn tháo gỡ, cởi dần những “nút thắt” từ phía các con và gia đình. Khi các con gọi “mẹ Nhị ơi”, tôi vừa hạnh phúc, vừa áp lực nhưng cũng tự nhủ phải mạnh mẽ hơn để là điểm tựa vững chắc cho các con”, cô Nhị cho biết.
Sau gần 3 năm hoạt động, cơ sở Bình Minh đã hỗ trợ hơn 200 trẻ khuyết tật, trong đó 60 trẻ đã “tốt nghiệp”, tái hòa nhập cộng đồng, tham gia học tập tại các trường công. Ngoài ra, có khoảng 50 học sinh và gia đình được hỗ trợ tư vấn, đánh giá và chuyển giao phương pháp giáo dục tại nhà một cách trực tiếp. Các phụ huynh được cô Nhị và các cô ở cơ sở Bình Minh tư vấn chăm sóc và nuôi dạy tại nhà như dạy con cách ăn uống, ngủ nghỉ, chơi với con đúng cách và tư vấn giải phóng tâm lý áp lực cho các con và phụ huynh…
Đặc biệt, trẻ theo học tại trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi, phụ nữ đơn thân, con của công nhân lao động nghèo được hỗ trợ 30 - 100% học phí mỗi năm. Với những trẻ ở xa, gia đình hoàn cảnh khó khăn được cô Nhị sắp xếp, tạo điều kiện cho phụ huynh ở lại trường để cùng các cô chăm sóc các con.
Chị Hà Bích Hảo, cơ sở mầm non chuyên biệt Bình Minh cho biết: “Qua thời gian tiếp xúc và làm việc cùng chị Nhị, tôi thấy chị rất năng động, nhiệt tình, chịu khó tìm tòi cách làm hiệu quả, mang đến những điều tốt nhất cho trẻ. Đặc biệt, chị là người có tâm với nghề, có tâm với học sinh và đồng nghiệp. Chị không chỉ hỗ trợ, chia sẻ với những giáo viên trẻ như chúng tôi về chuyên môn, nghiệp vụ, xử lý những tình huống mà chúng tôi chưa được học trong trường mà còn giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày”.
Đồng quan điểm với cô Hảo, chị Trần Thị Hường, ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết: “Sau 5 tháng theo học ở Bình Minh, được cô Nhị và các cô giúp đỡ, con tôi đã có sự thay đổi tiến bộ: giao tiếp bằng mắt tốt hơn, nhìn thẳng vào mẹ khi nói chuyện; chủ động giao tiếp với mọi người xung quanh. Những thay đổi tưởng chừng nhỏ bé nhưng là niềm hạnh phúc sung sướng với những người có con mắc bệnh như tôi”.
Năm 2018, cô Nhị đã nghiên cứu xây dựng Đề án “Phát triển mô hình giáo dục bền vững cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Bắc Ninh”. Đề án đã vượt qua gần 1.000 ý tưởng tham dự cuộc thi Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 và giành giải xuất sắc. Khi dự án đi vào thực tiễn, cô Nhị hy vọng góp phần nhỏ bé của mình tiếp tục giúp đỡ các em nhỏ thiệt thòi, kém phát triển được quyền hưởng giáo dục phù hợp với nhu cầu, phát triển toàn diện, qua đó giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.