“Mẹ đỡ” của hàng trăm đứa trẻ Châu Mạ

Suốt 10 năm gắn bó với mảnh đất Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), chị Nguyễn Thị Tâm - Trạm trưởng Trạm y tế xã Đồng Nai Thượng không thể nhớ hết mình đã đỡ cho bao nhiêu đứa trẻ ra đời. Chỉ biết rằng, đi tới quả đồi nào, thôn nào cũng có những đứa trẻ đón mừng chị với cách gọi đầy thân mến: “Mẹ Tâm”.

 

Bỏ phố lên buôn


Xã Đồng Nai Thượng là một xã vùng sâu vùng xa và khó khăn nhất của huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), nơi có gần 100% là đồng bào Châu Mạ chưa mấy tin tưởng vào khả năng chữa bệnh của cán bộ y tế và những tập tục lạc hậu vẫn ăn sâu vào đời sống của họ. Dù biết phía trước là một chặng đường vô cùng khó khăn, nhưng nữ hộ sinh Nguyễn Thị Tâm ở tuổi đôi mươi vẫn háo hức lên đường về nơi đầy khó khăn đó, với quyết tâm giúp đồng bào dân tộc chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất và làm thay đổi những tập tục lạc hậu của họ.


 

Dù khó khăn vất vả nhưng chị vẫn tiếp tục muốn gắn bó với người dân nơi đây.

 

Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đi hết con đường gần 30 cây số từ trung tâm huyện Cát Tiên lên xã Đồng Nai Thượng, bởi đoạn thì toàn sinh lầy, bùn đất ngập đến gần đầu gối, đoạn thì rải đá lởm chởm với đầy ổ gà, ổ voi trên đồi dốc quanh co… Nằm ở lưng chừng con dốc dẫn lên một quả đồi lớn, trạm y tế xã Đồng Nai Thượng nằm lọt thỏm giữa rừng điều xanh ngát. Chị Nguyễn Thị Tâm - Trưởng Trạm y tế xã Đồng Nai Thượng, đón chúng tôi với nụ cười và cho biết: “Bây giờ có đường để đi là khá lắm rồi. Trước kia chỉ có đường rừng, có xe cũng không thể đi được”.


“Giữa năm 2002, tôi về nhận nhiệm vụ ở xã Đồng Nai Thượng. Trước khi về vùng đất này, tôi đã được nghe nói rất nhiều về những khó khăn và cuộc sống của người dân ở đây. Đặc biệt là những sinh hoạt, cách chữa bệnh còn nặng tập tục, lạc hậu của đồng bào dân tộc. Chính những điều đó đã làm cho tôi càng quyết tâm đi đến vùng đất này hơn” - chị Tâm nhớ lại. Những ngày đầu mới lên, mỗi khi có ca sinh khó phải chuyển lên tuyến trên, do đường sá khó khăn, xe cộ không lên được, nên cán bộ y tế và người nhà phải thay nhau khiêng cáng đưa sản phụ xuống trung tâm huyện. 4 - 5 người thay nhau khiêng để di chuyển liên tục, sao cho có thể đưa sản phụ tới bệnh viện nhanh nhất, nhưng do đường xấu nên cũng phải mất cả ngày mới tới nơi.


Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, không ít thời điểm, các cán bộ y tế còn rơi vào cảnh thiếu đói do không có lương thực, thực phẩm. “Suốt mấy tháng mùa mưa, thức ăn chủ yếu ở đây chỉ có măng khô và cá khô. Nhưng do mưa dầm dài ngày, nên nhiều khi gạo, cá và măng cũng mốc xanh lên. Không có gì ăn, tôi cùng mọi người chỉ còn cách cố rửa cho sạch rồi nấu lên ăn tạm” - chị Tâm kể.

 

Đẩy lùi hủ tục


Theo tập tục xưa kia của đồng bào dân tộc nơi đây, người phụ nữ sắp sinh con phải ra ở một túp lều riêng trong vườn, không cho ai nhìn thấy, sau một tuần lễ mới được vào nhà và phải tự đỡ đẻ cho mình. Trước năm 2002, tập tục này vẫn còn rất phổ biến. "Lần đầu tiên ở Đồng Nai Thượng tôi đã phát hoảng vì chứng kiến một phụ nữ đã trùm váy ngồi tự đỡ con cho mình. Không một ai được lại gần lúc đó” - nữ hộ sinh Nguyễn Thị Tâm nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên Đồng Nai Thượng. Những người phụ nữ ở đây không ai chịu tới trạm y tế sinh nở mà khăng khăng “cố thủ” ở những chiếc chòi lá bên suối, chưa tính tới những nguy hiểm do tai biến không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ bị nhiễm trùng, hậu sản cho cả bà mẹ lẫn đứa trẻ đều rất lớn. Chứng kiến những điều đó, chị Tâm đã tự nhủ “mình phải làm gì đó để thay đổi nhận thức của đồng bào nơi đây”.


Canh cánh trong lòng trước những cái chết thương tâm của những đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời trong những chiếc chòi lá bên suối và những “bà mẹ trẻ con”, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Tâm đã quyết tâm tìm đủ mọi cách để thay đổi những tập tục của bà con dân tộc nơi đây. Chị Tâm tâm sự: “Khó khăn nhất vẫn là không hiểu được tiếng dân tộc và những người dân tộc ở đây hầu như sống biệt lập với cuộc sống bên ngoài nên họ không biết tiếng Kinh. Thế là tôi đã trao đổi với cán bộ xã và họ đã làm phiên dịch cho tôi rồi cùng tôi đến từng nhà vận động”. Chị chia sẻ thêm: “Để thay đổi tập tục thì không chỉ đi ngày một ngày hai mà mình phải đi rất nhiều lần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” và phải cùng ăn cùng ở với người dân nơi đây. Từ đó, tôi cứ đi bộ hết buôn này qua buôn khác. Có những buôn cách nhau 8 cây số đường rừng. Ai ốm đau bệnh tật gì, dù ở xa xôi đến mấy tôi cũng tìm đến để cứu chữa”.


Phải mất thời gian rất dài trong nhiều năm liền tuyên truyền, vận động, khuyên nhủ... đến nay, hầu hết người dân tộc nơi đây đã tin tưởng vào cán bộ y tế và dần bỏ đi những tập tục lạc hậu. Phụ nữ đều được theo dõi, thăm khám trong suốt thai kỳ. Khi sinh nở, nếu không đến được trạm y tế, người nhà sản phụ cũng tới báo để cán bộ y tế đến tận nhà đỡ đẻ. Hàng tháng, bà con cũng đưa trẻ tới tiêm chủng theo đúng định kỳ. Điều này cho thấy, những nỗ lực của chị Tâm cùng các cán bộ trạm y tế xã Đồng Nai Thượng đã bước đầu có những kết quả tích cực.


Bên cạnh việc sinh đẻ, hàng tháng, chị còn cùng các cán bộ của trạm đi bộ đến từng nhà tuyên truyền cho bà con nhận thức về việc phòng chống dịch bệnh, ăn chín uống sôi. Cũng nhờ vậy mà căn bệnh sốt rét, vốn khá phổ biến trước kia, nay đã bị đẩy lùi và một vài bệnh tật khác cũng đang dần được khắc phục.

 

Sẽ gắn bó với đồng bào dân tộc


Khó khăn là thế, vậy mà chị Tâm đã gắn bó với cái xã nghèo heo hút này suốt 10 năm trời. Chị cũng là cán bộ y tế có thâm niên lâu nhất ở vùng đất này, trong khi nhiều đồng nghiệp khác chỉ lên đây được 1, 2 năm, thậm chí có người chỉ được vài ngày là đã “bỏ chạy về xuôi”.


Với công lao đóng góp của chị trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe ban đầu cho bà con, chị đã được lãnh đạo tỉnh phong tặng danh hiệu Người thầy thuốc trẻ tiêu biểu, Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân… đồng thời, lãnh đạo huyện cũng đã gợi ý chuyển chị về nơi có điều kiện tốt hơn thế nhưng chị đã kiên quyết từ chối. Chị tâm sự: “Mình không thể phụ niềm tin, sự yêu mến của đồng bào. Bà con nơi đây rất cần được chăm sóc, mình mà bỏ đi thì tội họ lắm. Bà con dân tộc sống rất thật lòng và tình cảm, giờ họ đã tin tưởng vào mình rồi nên có điều gì họ cũng muốn chia sẻ”. Một sản phụ gần tới ngày sinh, một em bé bị sốt chưa khỏi… mỗi khi có công việc phải đi xa hoặc mỗi khi về thăm nhà ở Đức Trọng, chị lại bồn chồn không yên mà muốn nhanh chóng quay trở lại với Đồng Nai Thượng. Có lẽ sau 10 năm găn bó, mảnh đất này đã trở nên thân thuộc khiến chị khó có thể rời xa.


Trong suốt 10 năm sống và làm việc tại đây, với tính quyết đoán, vững vàng về chuyên môn và nhiều kinh nghiệm trong nghề, không biết bao nhiêu đứa trẻ đã được chào đời mạnh khỏe nhờ bàn tay của chị. Đón bao nhiêu đứa trẻ ra đời, cứu sống bao sản phụ, nhưng nhìn lại trong ngôi nhà của vợ chồng chị vẫn thiếu vắng tiếng khóc cười con trẻ. Ít ai biết được một điều, không ít lần khi đỡ đẻ xong, nhìn sản phụ bế con về, chị lại thấy tủi thân. Chị tâm sự: “Lập gia đình gần chục năm nhưng đến nay gia đình tôi vẫn vắng tiếng khóc cười của trẻ nhỏ. Vợ chồng tôi cũng nhiều lần đi chữa trị nhưng vẫn chưa có kết quả”.


Lúc ra về, chúng tôi lại hỏi bao giờ thì chị rời nơi này để về công tác tại một cơ sở y tế khang trang hơn dưới trung tâm huyện, chị Tâm chỉ cười và nói: “Chưa biết nữa. Có khi chị ở lại đây luôn với bà con cũng nên. Vì đi xa thấy nhớ bọn trẻ lắm”.


Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN