Vì vậy, công tác vận động quần chúng và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Công tác tại Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh Điện Biên) gần 5 năm, với sự nhiệt huyết, không ngại gian khổ, hiểm nguy, Thượng tá Quách Hữu Hiến (sinh năm 1960), Phó Trưởng phòng đã cùng đồng đội thực hiện thành công nhiều kế hoạch, chuyên án, góp phần bảo đảm an ninh trật tự nơi vùng biên cương của Tổ quốc, đem lại bình yên cho nhân dân.
Thượng tá Quách Hữu Hiến chia sẻ, những ngày đầu nhận nhiệm vụ công tác tại Phòng, anh đã trải qua không ít khó khăn, thách thức khi xuống địa bàn thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào, làm quen với cuộc sống nơi “rừng thiêng nước độc”. Thực tế đường xuống địa bàn cơ sở giao thông chia cắt, nhất là mùa mưa đi lại rất khó khăn.
Tỉnh Điện Biên có nhiều dân tộc anh em sinh sống nên bất đồng ngôn ngữ trong công tác dân vận, tuyên truyền không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, nhiệt huyết, anh và đồng đội đã thường xuyên đi cơ sở, bám nắm địa bàn, trực tiếp nói chuyện cùng bà con để hiểu rõ phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn, vấn đề vướng mắc của bà con. Đó là những nền tảng ban đầu trong việc thực hiện công tác dân vận, giúp cán bộ, chiến sĩ của Phòng hoàn thành công việc được giao.
Thượng tá Quách Hữu Hiến cho biết, công tác vận động, tuyên truyền tại cơ sở hiện nay có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, có bản lĩnh và thật sự gần dân, thương yêu dân. Thực tế hiện nay, các loại tội phạm rất nguy hiểm, xảo quyệt, thủ đoạn hoạt động cũng rất tinh vi.
Tại địa phương, các đối tượng tội phạm thường dùng tài chính, vật chất mua chuộc lòng tin của nhân dân để từ đó lôi kéo người dân nghe theo, làm trái pháp luật. Trong khi đó, trình độ hiểu biết của bà con vùng cao còn hạn chế nên dễ sa ngã, làm theo kẻ xấu. Trước thực tế này, cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên thay đổi phương thức tác chiến, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đến tận nhà người dân để tuyên truyền, vận động bà con về các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, lợi dụng làm điều xấu.
Theo Thượng tá Quách Hữu Hiến, do đặc thù vùng, miền nên những chuyến công tác xuống địa bàn cơ sở đều có những kỷ niệm mà cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác dân vận không thể quên được. Đó là những hành trình đi bộ vượt suối, băng rừng hàng chục km để đến được điểm bản. Những lần đi như thế, các anh phải chia sẻ, nhường nhịn nhau từng cái bánh mỳ, chai nước. Đó là những buổi đêm họp dân trong bản phải thắp đèn dầu vì không có điện thắp sáng. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày ở địa bàn cơ sở, anh em trong tổ công tác ai cũng trải qua và quen với việc tắm nước suối giữa mùa Đông giá lạnh…
Đặc biệt, khi được giao nhiệm vụ tham mưu và thực hiện Đề án 79 của Chính phủ về việc sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại huyện cực Tây Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), Thượng tá Quách Hữu Hiến và đồng đội đã phải trực tiếp xuống địa bàn công tác gần một năm.
Tại vùng đất được đánh giá là khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, tổ công tác của Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc phải đến từng điểm bản, hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân về nơi ở mới tại các điểm tái định cư được quy hoạch, bố trí; giúp bà con xây dựng nhà cửa, dần ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Theo Thượng tá Quách Hữu Hiến, để vận động được người dân di dời, chuyển đến ở mới cũng gặp rất nhiều khó khăn khi cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận phải đi bộ hàng chục km mỗi ngày để đến từng nhà dân. Khi vận động được rồi, thì việc tháo dỡ nhà cửa, vận chuyển tài sản, đồ đạc của người dân cũng gặp không ít vướng mắc, bất lợi, bởi đa số nhà ở của người dân trên vùng núi cao, đường dốc, trơn trượt, việc vận chuyển tài sản của từng hộ phải cần lực lượng lớn. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ của Phòng phải kêu gọi sự phối hợp của chính quyền địa phương huy động nhân lực cùng thực hiện công việc với quyết tâm cao.
Khi hoàn tất công tác di chuyển người dân về nơi ở mới, cán bộ, chiến sĩ của Phòng còn phải ở lại để hướng dẫn cho người dân cách chăn nuôi, trồng trọt, làm kinh tế, từng bước giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, cán bộ, chiến sĩ của Phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, vận động, di dời được 34/34 hộ dân chuyển đến bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé).
Trong gần 5 năm qua, Thượng tá Quách Hữu Hiến đã tham mưu, xây dựng các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn, tiêu biểu như việc nhân rộng “Mô hình liên kết an ninh trật tự địa bàn giáp ranh” ở huyện Điện Biên, mô hình “Dòng họ binh yên” ở địa bàn vùng cao, khó khăn của huyện Tủa Chùa… Anh và đồng đội còn xây dựng 24 mô hình, hơn 4.000 tổ chức quần chúng góp phần tạo nền móng vững chắc, làm nòng cốt trong việc vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Mỗi mô hình có những cách làm khác nhau và đang phát huy hiệu quả trong việc huy động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia theo phương châm “Tự phòng, tự quản và tự hòa giải cơ sở”.
Trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, Thượng tá Quách Hữu Hiến đã cung cấp cho lực lượng Công an tỉnh Điện Biên hơn 26.000 tin về an ninh trật tự, cùng phối hợp điều tra làm rõ hơn 200 vụ phạm pháp hình sự, bắt 38 đối tượng truy nã, vận động 45 đối tượng truy nã ra đầu thú. Anh còn phối hợp quản lý, giáo dục gần 2.500 người lầm lỗi, xóa gần 80 tụ điểm phức tạp về ma túy; góp phần xây dựng và tổ chức cho hơn 85.000 chủ hộ ký cam kết thực hiện các quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ; kêu gọi nhân dân giao nộp hơn 17.000 súng các loại.
Bên cạnh đó, anh là người tích cực trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở, chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự; trực tiếp xây dựng kế hoạch, chương trình, báo cáo về công tác xây dựng đoàn thể, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Thiếu tá Bùi Tâm Long, Phó Trưởng phòng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh Điện Biên) chia sẻ: Đồng chí Quách Hữu Hiến là một trong những “thủ lĩnh”, cán bộ chủ chốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những năm qua, đồng chí luôn tiên phong trong những nhiệm vụ khó khăn. Với bản lĩnh, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, đồng chí là một người dân vận khéo, thích ứng linh hoạt với công việc, sâu sát với cộng đồng thôn, bản, nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Trong công tác lãnh đạo, đồng chí phân công nhiệm vụ cho các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phù với chức năng, nhiệm vụ, phát huy khả năng của từng người, đem lại hiệu quả cao. Với tư cách một người anh, có nhiều kinh nghiệm, đồng chí Quách Hữu Hiến luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cho đồng nghiệp trong công việc. Đồng chí là tấm gương cho cán bộ trong Phòng nói riêng và trong tập thể ngành công an nói chung học hỏi và làm theo.
Với những nỗ lực và thành tích đã đạt được, năm 2016, Thượng Tá Quách Hữu Hiến vinh dự được Bộ Công an tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2006 - 2016.