Giáng sinh năm 2021: Lan tỏa 'hạt giống yêu thương' trong cộng đồng

Với phương châm "Sống phúc âm trong lòng dân tộc", nhiều chức sắc, tu sĩ và đồng bào có đạo đã chung tay cùng chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt kịp thời giúp đỡ nhiều người dân đang cách ly, trong khu phong tỏa có thêm một bữa ăn đầy đủ hơn. Đây cũng là những "hạt giống yêu thương" gieo vào cộng đồng để lan tỏa những việc thiện lành trong đại dịch.

Chú thích ảnh
Nhóm Thiện Tâm chuẩn bị các phần cơm cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Những hộp cơm tình nghĩa 

Trong tiết trời rét lạnh của những ngày cuối năm, thành viên của nhóm Thiện Tâm vẫn miệt mài tỏa đi các nẻo đường tại thành phố Huế để chuyển những hộp cơm chan chứa yêu thương đến tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do và các bệnh nhân đang điều trị tại khu thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Phòng khám Kim Long của Tổng Giáo phận Huế. 

 Nhóm Thiện Tâm hiện có 17 thành viên, do Linh mục Lê Văn Hồng đồng hành cùng các sơ của Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng thành lập. Gần nửa năm nay, hàng nghìn suất cơm đã được trao đến những người có hoàn cảnh khó khăn, các bệnh nhân, giúp họ vơi bớt nhọc nhằn khi mưu sinh trong mùa bệnh. 

Cứ vào thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần, nhóm Thiện Tâm lại tổ chức nấu và phát cơm miễn phí. Vào ngày phát cơm, các thành viên trong nhóm sẽ tập hợp từ 6 giờ sáng, mỗi người một việc, tất bật chuẩn bị. Người đi chợ chọn thực phẩm tươi ngon, nấu cơm, chế biến thức ăn; người cho cơm, thức ăn, canh vào hộp; người bỏ hộp cơm vào túi và vận chuyển lên xe để lên đường đi giao cơm đến tận tay người cần. Mỗi phần cơm gồm cá, thịt, rau, canh, trái cây và một chai nước lọc.

Thời gian trước, nhóm Thiện Tâm tổ chức phát cơm tại số 6 đường Hà Nội, thành phố Huế nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhóm đã bố trí người mang đến tận nhà cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bàn tay thoăn thoắt gắp thức ăn vào hộp, sơ Huỳnh Thị Thành chia sẻ, các thành viên trong nhóm đều tự nguyện làm việc với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Để có kinh phí hoạt động, các thành viên không chỉ góp công mà còn góp của, có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Dù nhóm chưa một lần tổ chức kêu gọi hỗ trợ bài bản, nhưng nhận thấy việc làm nhân văn của nhóm nhiều người cũng chủ động liên lạc để hỗ trợ tiền, gạo, rau củ … để chung tay duy trì việc phát cơm miễn phí. Bên cạnh đó, nhóm Thiện Tâm cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho những người già neo đơn, hỗ trợ khẩn cấp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. 

Trung bình mỗi ngày, nhóm Thiện Tâm chuẩn bị khoảng 200 suất cơm miễn phí. Ngoài ra, nhóm còn bán cơm với giá 5.000 đồng/suất. Chị Nguyễn Thị Phượng Liên, thành viên nhóm Thiện Tâm chia sẻ, mỗi suất cơm chúng tôi thu 5.000 đồng để người dân có cảm giác phải bỏ ít tiền ra mua thì tâm lý ăn cơm sẽ ngon hơn và số tiền đó cũng sẽ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. 

Chia sẻ về ý tưởng thành lập nhóm Thiện Tâm, Linh mục Lê Văn Hồng kể, nhóm thành lập vào những ngày mà Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Giáo phận Huế kêu gọi người Công giáo trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh trong đại dịch. Ban đầu nhóm đã tham gia làm ruốc sả, kho cá và quyên góp các nhu yếu phẩm để gửi vào miền Nam. Sau đó, mọi người trong nhóm đã bàn bạc và cùng nhau tổ chức nấu, phát cơm miễn phí cho những người nghèo, bệnh nhân trong tỉnh. Trong cơn đại dịch, có rất nhiều người gặp khó khăn, đặc biệt là những người già và lao động tự do mất việc. Những hộp cơm, dù giá trị không lớn nhưng gói ghém, trao gửi yêu thương của nhóm Thiện Tâm đến với những hoàn cảnh khó khăn giúp họ vơi bớt phần cơ cực trong cuộc sống. 

Đồng hành cùng bệnh nhân COVID-19

Thời gian qua, “tủ bánh mì 0 đồng” tại Phòng khám Kim Long của Tổng Giáo phận Huế đã phát miễn phí hàng ngàn ổ bánh mì cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người nhà và các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Tủ bánh mì này do các sơ Dòng Thánh Phaolô tại Huế tổ chức, được sự hỗ trợ từ Lò bánh mì Hồng Ân của Giáo xứ Phú Hậu. Hoạt động từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, trung bình mỗi ngày tủ bánh mì cấp phát miễn phí khoảng 200 ổ mì nhân thịt. 

 Lò bánh mì Hồng Ân nằm trong khuôn viên nhà thờ Phú Hậu, do Linh mục Nguyễn Thiện Nhân, Quản xứ Phú Hậu xây dựng từ đầu năm 2019. “Nhân viên” của Lò bánh mì Hồng Ân là Linh mục Nguyễn Thiện Nhân cùng người dân trong giáo xứ Phú Hậu. 

Chú thích ảnh
Do diễn biến dịch phức tạp thành viên trong nhóm đến tận nhà người dân để phát cơm. 

Theo Linh mục Nguyễn Thiện Nhân, hằng ngày, Lò bánh mì Hồng Ân cung cấp miễn phí khoảng 500 ổ bánh cho những bệnh nhân và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thành phố. Bên cạnh đó, Giáo xứ Phú Hậu cũng tổ chức nhiều bữa ăn sáng cho bà con nghèo trong các khu phong tỏa tạm thời hay bệnh nhân COVID-19 đang cách ly điều trị tại các bệnh viện dã chiến với số lượng khoảng 1.200 ổ bánh mì/ngày. 

Ngoài cung cấp bánh mì miễn phí, thời gian qua, để chung tay cùng chính quyền phòng, chống dịch COVID-19, Giáo xứ Phú Hậu đã hỗ trợ thuốc men, khẩu trang, nước kháng khuẩn và trao tặng gần 10 tấn lương thực, thực phẩm đến tận tay các gia đình đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.  

Chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, các giáo xứ, họ đạo trong Tổng Giáo phận Huế có những hoạt động thiện nguyện như: Tặng quà các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho các khu phong tỏa, cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp trên địa bàn, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho phép Phòng khám Kim Long trở thành nơi thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. Tại đây, hàng chục tình nguyện viên trong giáo phận Huế đang tích cực tham gia chăm sóc, điều trị các bệnh nhân cùng chung tay với xã hội giúp đẩy lùi dịch bệnh.

Bài và ảnh: Tường Vi (TTXVN)
Giáng sinh năm 2021: Nhiều giáo xứ ở Ninh Bình không tổ chức diễn nguyện, thánh lễ ngoài trời
Giáng sinh năm 2021: Nhiều giáo xứ ở Ninh Bình không tổ chức diễn nguyện, thánh lễ ngoài trời

Thời điểm này những năm trước, không khí Giáng sinh đã tràn ngập các nhà thờ, xóm đạo của tỉnh Ninh Bình. Năm nay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không khí Giáng sinh tại các nhà thờ, xóm đạo tại Ninh Bình trầm lắng hơn, việc trang trí được tiết chế; đồng thời, nhiều giáo xứ đã quyết định không tổ chức diễn nguyện ngoài trời vào đêm Giáng sinh nhằm giảm lượng người đến nhà thờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN