Đồng hành cùng học sinh khó khăn
Cứ vào sáng sớm mỗi cuối tuần, khu nhà trọ đường số 44 (phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) lại rộn vang tiếng nói cười của các gia sư áo xanh là sinh viên tình nguyện đến dạy học cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Mỗi bạn một việc, người sắp xếp bàn ghế, người chuẩn bị sách vở, người đón các em học sinh.
Đến khoảng 9 giờ, buổi học chính thức bắt đầu. Từng em học sinh lần lượt cho “thầy”, “cô” biết môn học mà mình muốn ôn tập hôm nay, có em muốn học toán, có em muốn tập viết chữ, lại có em muốn tập vẽ… Các gia sư áo xanh liền phân công nhiệm vụ, mỗi người kèm cặp một nhóm khoảng 2 - 3 học sinh, theo dõi các em học và giải đáp thắc mắc khi gặp vấn đề khó. Đến giữa trưa, thời gian học kết thúc cũng là lúc các bạn gia sư đều thấm mệt nhưng ai rất vui vì đã mang đến cho học sinh một buổi học hiệu quả.
Bạn Lê Phạm Hoàng Phát (sinh viên năm cuối khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh), Đội trưởng Đội gia sư áo xanh tại khu nhà trọ đường số 44 cho biết, năm nay, đội có 11 bạn sinh viên tình nguyện đăng ký tham gia, hỗ trợ cho 16 học sinh trong độ tuổi từ 3 - 15 tại phường Thảo Điền. Hàng tuần, đội tổ chức lớp học vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật, bắt đầu từ 9 giờ đến gần 11 giờ hoặc muộn hơn tùy theo ý muốn của học sinh. Địa điểm học khang trang, bàn ghế, sách vở và dụng cụ học tập được Ủy ban nhân dân phường Thảo Điền cùng các đơn vị đồng hành với chương trình “Gia sư áo xanh” tài trợ, cũng như từ đóng góp của chính các bạn tình nguyện viên. Cùng với ôn tập kiến thức, mỗi buổi học còn có phần sinh hoạt vui chơi, giao lưu giúp các bạn nhỏ hoàn thiện hơn một số kỹ năng như giao tiếp, xử lý tình huống... Khoảng thời gian học mỗi tuần không nhiều, đội gia sư đặt mục tiêu ngoài ôn tập kiến thức bài vở, sẽ cố gắng để các em học sinh được trải nghiệm thêm càng nhiều kỹ năng nhất càng tốt.
Gắn bó cùng chương trình “Gia sư áo xanh” từ năm 2018 đến nay, Hoàng Phát có khá nhiều kỷ niệm trong quá trình tham gia tình nguyện. Đợt đầu tham gia tại khu nhà trọ đường số 44 vào năm 2018, Phát cùng các bạn gia sư tình nguyện biết đến trường hợp 4 em thiếu nhi không biết chữ do gia đình không có điều kiện cho các em đến trường. Đội gia sư khi đó đã đến tận nhà để vận động gia đình cho các em đến lớp học. Bằng sự nỗ lực, cố gắng của các gia sư cũng như chính các em, 4 em thiếu nhi này đã đọc, viết rất tốt và vẫn tiếp tục tham gia lớp học “Gia sư áo xanh” năm nay. Đây cũng là thành quả đáng nhớ nhất của Phát trong nhiều năm làm gia sư tình nguyện.
Hoàng Phát cho biết, các em học sinh đến từ những gia đình có hoàn cảnh khác nhau, độ tuổi khác nhau và tính cách cũng khác nhau khiến các gia sư tình nguyện gặp không ít khó khăn trong quá trình giảng dạy, tuy nhiên mỗi bạn đều làm việc theo tôn chỉ “dạy bằng tâm và tấm lòng”, không cáu gắt hay quát mắng khi gặp những học sinh chậm tiếp thu hoặc không chú tâm học mà phải kiên nhẫn khích lệ, tạo động lực cho các em tìm thấy niềm vui trong việc học. Được phụ huynh tin tưởng và các em học sinh thương yêu, các gia sư càng có thêm động lực cố gắng dạy học; đặc biệt khi nhìn thấy các em có sự tiến bộ. Hoàng Phát cho biết thời gian tới sẽ sắp xếp thời gian, công việc để tiếp tục đồng hành với chương trình.
Để nhiều bạn trẻ trở thành gia sư áo xanh
Bạn Phan Lê Khánh Trang (sinh viên năm cuối khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, những năm trước, Trang đã nhiều lần đồng hành cùng chương trình Mùa Hè Xanh. Nhưng đây là lần đầu tiên, Trang tham gia với tư cách một gia sư tình nguyện cho các em thiếu nhi. Chưa có kinh nghiệm dạy học trước đó, ban đầu, Trang gặp khó khăn trong việc kết nối và truyền tải kiến thức cho các em. Do đó, trước mỗi giờ học, Trang thường trò chuyện với học sinh, hỏi về sở thích của các em, thích học môn nào hoặc thích học những gì… để các em cảm nhận được sự gần gũi, từ đó cải thiện tương tác giữa cô và trò. Đổi lại, nhiều em từng bước mở lòng với Trang, thường xuyên chia sẻ việc gia đình hoặc những vui, buồn trong cuộc sống. Sự kết nối này giúp học sinh gắn bó với gia sư, giúp việc học được hiệu quả hơn.
Khánh Trang cho biết, nhiều người cho rằng sau một năm học căng thẳng, việc tham gia tình nguyện thay vì nghỉ ngơi trong dịp hè là rất vất vả với các bạn sinh viên. Tuy nhiên, Trang cho rằng thanh niên là lực lượng xung kích của xã hội, nếu chỉ ở nhà không làm gì mới thật sự lãng phí thời gian và tuổi xuân. Thay vào đó, việc tham gia các hoạt động tình nguyện như chương trình “Gia sư áo xanh” không chỉ giúp ích cho người khác mà còn tạo động lực cho cộng đồng, để những năm sau sẽ có thêm nhiều bạn trẻ muốn trở thành gia sư áo xanh để hỗ trợ học sinh. Theo Trang, chương trình cần càng nhiều gia sư càng tốt để hỗ trợ từng học sinh vì trình độ các em khác nhau. Nếu có thể đủ số lượng gia sư để một gia sư kèm một học sinh, việc dạy học sẽ cặn kẽ, hiệu quả hơn.
Theo Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình “Gia sư áo xanh” năm nay có hơn 700 lượt sinh viên đang học tập tại các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng trên địa bàn Thành phố đăng ký. Chương trình đã tổ chức phỏng vấn và tuyển chọn 269 sinh viên, ưu tiên sinh viên có điểm trung bình năm học 2022 - 2023 đạt từ 7.0 trở lên (đối với các trường đào tạo theo niên chế) và 2.8 điểm trở lên (đối với các trường đào tạo theo tín chỉ) để tham gia giảng dạy cho hơn 230 học sinh tại 13 khu lưu trú, khu trọ thanh niên công nhân do các quận/huyện Đoàn quản lý và Làng Thiếu niên Thủ Đức. Các gia sư tình nguyện sẽ thực hiện 4.304 buổi giảng dạy, tương ứng khoảng 8.608 giờ giảng dạy. Chương trình diễn ra từ đầu tháng 6/2023 và kéo dài đến hết tháng 12/2023.
Năm nay, nội dung chương trình học được xây dựng thành 4 chủ đề gồm: kiến thức; kỹ năng; đạo đức; phát triển tư duy trên cơ sở các nội dung học tập, dạy kèm theo chương trình của ngành giáo dục và đào tạo, chương trình sách giáo khoa. Bên cạnh đó, Trung tâm hướng đến hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập, đường truyền, thiết bị học tập (trực tuyến) và tư vấn cho học sinh kiến thức về sử dụng mạng xã hội hiệu quả; hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và cách thức phòng, chống các bệnh theo mùa. Các em học sinh tham gia chương trình ngoài việc được ôn tập lại những kiến thức trong chương trình học còn được tham gia các hoạt động kỹ năng như vẽ, múa, hát... Thông qua các buổi sinh hoạt chung cùng gia sư giúp các em vừa học vừa chơi, từ đó phát triển toàn diện các kỹ năng của bản thân.