Đêm và rạng sáng 3/8, từng cơn mưa mưa lớn kéo dài trên diện rộng ầm ập đổ xuống các huyện ở vùng núi rừng phía tây tỉnh Thanh Hoá. Nước lũ thượng nguồn đổ về huyện biên giới Quan Sơn khiến nước sông Luồng dâng cuồn cuộn cuốn phăng mọi thứ gặp trên đường đi.
Sáng 3/8, Phạm Bá Huy cùng thanh niên trong bản kéo nhau ra bờ sông Luồng để xem diễn biến nước lũ thì phát hiện một người đàn ông đang chới với trên cành cây dọc sông Luồng. Đây chính là ông Lương Văn Chon (52 tuổi) bị lũ cuốn trôi dọc từ bản Sa Ná, xã Na Mèo về đến địa bàn xã Sơn Điện thì bám được vào cây mọc ven sông.
Từ khi ông Chon bị mắc kẹt, chính quyền xã Sơn Điện đã tính toán nhiều phương án giải cứu nhưng do dòng nước quá hung dữ, không thể đưa xuồng hay bơi ra tiếp cận được nạn nhân. Đến 13 giờ chiều cùng ngày 3/8, sau khi thấy ông Chon đã đuối sức nên mọi người chọn phương án buộc sợi dây thừng vào đoạn dây cáp để đưa áo phao, can nhựa cùng các vật dụng cứu trợ cần thiết tiếp cận nơi ông Chon bị mắc kẹt.
Lúc này nước lũ cuồn cuộn đổ về ngày một lớn. Không ngại hiểm nguy, anh Phạm Bá Huy đã xung phong là người bơi ra dòng nước cuồn cuộn để cứu ông Chon. Huy cột mình vào dây thừng, bám vào đoạn dây cáp, mang áo phao bơi từng đoạn, từng đoạn ra dòng nước hung xiết để ứng cứu nạn nhân.
Sau gần 2 giờ đồng hồ vật lộn với dòng nước lũ, Huy đã tiếp cận được ông Chon, mặc áo phao, buộc dây thừng cho ông Chon và ra hiệu cho mọi người kéo ông Chon vào bờ.
Đến khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, sau rất nhiều nỗ lực, các lực lượng chức năng trên bờ đã tiếp cận và đưa được nạn nhân Lương Văn Chon vào bờ. Ngay sau đó, nạn nhân được chuyển đến bệnh viện để chăm sóc.
Lúc ông Chon được kéo vào bờ an toàn an toàn, Huy mới bám dây để vào bờ thì sợi dây cáp bị đứt. Lúc này người thân, bạn bè và các lực lượng chức năng trên bờ vô cùng lo lắng, lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp đang trên đường lên huyện Quan Sơn, trời thì bắt đầu tối dần, nước sông vẫn chưa có dấu hiệu giảm cơn cuồng nộ.
Kể lại sự việc Huy cho biết: “Lúc đó tôi thực sự hoảng loạn, vì nước vô cùng chảy xiết, không còn dây cáp để bám vào, không còn cách nào khác, tôi phải ngay lập tức quăng mình bám vào ngọn cây giữa dòng - chỗ mà ông Chon vừa rời khỏi - đợi người ứng cứu. Nhưng tôi nghĩ lúc này nếu mình có thể tự cứu mình thì sẽ đỡ cho biết bao người đang đứng trên bờ. May sao lúc đó bên người tôi vẫn còn 2 can nhựa lúc mang theo ra cứu ông Chon vẫn chưa dùng đến”.
Huy đã ôm theo 2 chiếc can nhựa lao mình xuống dòng nước lũ, lựa con nước để bơi xuôi vào bờ. Sau khi vật lộn với dòng nước, Huy đã tiếp cận được vào phía bờ tả sông Luồng, cách hiện trường bị mắc kẹt khoảng 500 mét.
Huy kể: “Lúc đó, tuy liều mình nhảy xuống dòng nước nhưng tôi có lòng tin vào chính bản thân mình. Từ nhỏ tôi đã sống bên dòng sông Luồng, bơi lội từ bờ này sang bờ kia từ khi còn học tiểu học. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên dám bơi ra giữa dòng nước lũ như vậy”.
Khi được hỏi lại cảm giác lúc cứu người xong lại gặp nạn, Huy có sợ, có hối hận không, Huy cười hồn nhiên: “Thấy người bị nạn mà cảm thấy cứu được thì mình cứu thôi, mình không nghĩ ngợi gì cả!”.
Ông Lục Hải Vân, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện cho biết: “Ở địa phương Huy là một thanh niên tốt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nuôi bố mẹ và con nhỏ. Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, vợ Huy phải đi làm ăn xa, bản thân Huy đi làm tại xưởng tăm tre trên Na Mèo. Tấm gương dũng cảm xả thân cứu người của Phạm Bá Huy chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Phạm Bá Huy xứng đáng được cấp trên tuyên dương, khen ngợi".