Cụ bà vùng quê miệt vườn hiến một nửa quỹ đất làm trường mầm non

Tự nguyện hiến đất xây trường mầm non, tạo điều kiện để trẻ em có chỗ học hành, vui chơi an toàn, sạch đẹp, đạt chuẩn quốc gia là việc làm đáng trân quí của bà cụ Phạm Thị Ngoan, 85 tuổi, ngụ tại ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Tại tỉnh Tiền Giang, phong trào “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân hưởng ứng sôi nổi với nhiều mô hình mới, cách làm hay, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội như: hiến đất làm đường; ủng hộ từ thiện, nhân đạo, xã hội; hỗ trợ giảm nghèo... Qua đó, làm sáng thêm tư tưởng, đạo đức của Bác, góp phần củng cố, nâng cao sức chiến đấu của hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới tại cơ sở… được dư luận đồng tình hưởng ứng.

Tự nguyện hiến đất xây trường mầm non, tạo điều kiện để trẻ em có chỗ học hành, vui chơi an toàn, sạch đẹp, đạt chuẩn quốc gia là việc làm đáng trân quí của bà cụ Phạm Thị Ngoan, 85 tuổi, ngụ tại ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (Tiền Giang). Gia đình cụ chỉ có 2 nhân khẩu gồm cụ và người con trai nay đã ngoại ngũ tuần, sở hữu 6.000 m2 đất kể cả đất thổ cư. Khi biết địa phương có nhu cầu đầu tư dự án trường mầm non nhưng thiếu quỹ đất xây dựng, sau khi bàn bạc cùng con, cụ Ngoan đã tự nguyện hiến 3.000 m2 đất, tương đương 50% quỹ đất hiện có cho huyện Cái Bè đầu tư xây Trường Mầm non Cái Bè.

Tiếp khách trong căn nhà nhỏ, ấm cúng, cụ bà Phạm Thị Ngoan thật thà chia sẻ: Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về đạo đức mà ai cũng ngưỡng mộ, noi theo trong đó có bản thân cụ. Đặc biệt, cụ rất tâm đắc với hình ảnh Bác Hồ luôn bày tỏ tình yêu thương vô hạn đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác dạy ai cũng phải có trách nhiệm chăm lo cho thế hệ trẻ là tương lai, là rường cột nước nhà sau này. Học Bác về tình thương yêu bao la rộng lớn đó, cụ luôn tâm niệm phải chăm sóc lớp trẻ trên quê hương Cái Bè - địa bàn vùng lũ đầu nguồn của tỉnh Tiền Giang vốn đầy khó khăn, từng bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, thông qua những việc làm hữu ích, đặc biệt là tại xã Đông Hòa Hiệp quê hương cụ. Từ suy nghĩ với tất cả tấm lòng tha thiết hướng về trẻ em vùng nông thôn còn nhiều thiếu thốn, gia đình cụ quyết định hiến thửa đất có giá trị lớn để xây trường mầm non, qua đó góp phần chăm lo việc học hành của con em nông dân địa phương được đàng hoàng hơn. 

Trong đời sống thường nhật, cụ Ngoan cũng là một tấm gương cần cù, chịu khó, sống hòa đồng với bà con trong xóm ấp, chăm chỉ làm lụng. Việc gì ai cần trong khả năng của mình đều được cụ tận tình giúp đỡ. Tình cảm tương thân, tương ái, theo truyền thống đạo lý “tối lửa tắt đèn có nhau” vốn quí của dân tộc được cụ truyền lửa đến người con trai. Từ đó, tạo đồng thuận cao khi cụ quyết định hiến đất xây trường mầm non, vì tương lai của lớp trẻ và cũng là tương lai của dân tộc mai sau.

Theo người con trai của cụ, sau khi hiến đất, gia đình ông còn lại 3.000 m2 đất trong đó có 2.000 m2 đất canh tác, đang chuyên canh trồng sầu riêng. Ông cho biết, với thửa vườn trồng sầu riêng kể trên, ông nỗ lực chăm sóc, áp dụng biên pháp thâm canh theo khoa học nên đạt hiệu quả khá. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí còn lãi hàng trăm triệu đồng, đủ bảo đảm cho cuộc sống tuy không giàu có nhưng tươm tất, đầy đủ. Ông chia sẻ thêm: Nhìn ngôi trường mầm non đang được khẩn trương xây dựng, mỗi ngày mỗi thành hình to đẹp hơn, là nơi sinh hoạt, học tập của con em sau này, gia đình rất vui. Như thế là toại nguyện lắm rồi.

Suy nghĩ của các thành viên trong gia đình cụ Phạm Thị Ngoan thật đáng quí, là những tấm lòng vàng luôn tâm niệm học Bác phải “vì sự nghiệp trăm năm trồng người” trên mảnh đất có bề dày thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm xưa ở Nam bộ.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cái Bè Nguyễn Quốc Thanh, nhờ diện tích đất mà cụ bà Phạm Thị Ngoan hiến tặng, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai xây trường mầm non khang trang theo chuẩn quốc gia. Dự kiến Trường Mầm non Cái Bè hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm học mới 2021 – 2022 tới. Ông Nguyễn Quốc Thanh đánh giá cao tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cụ bà Phạm Thị Ngoan. Cụ là một trong những gương điển hình chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương, góp phần đưa xã Đông Hòa Hiệp được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Năm học mới 2021 – 2022, có thêm được ngôi trường mầm non mới, việc học hành cho các cháu sẽ rất thuận lợi. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương luôn ghi nhớ tấm lòng vàng cao đẹp của gia đình cụ Phạm Thị Ngoan.

Bí thư Đảng ủy xã Đông Hòa Hiệp Võ Minh Nhựt cho biết, tấm gương hiến đất xây trường mầm non của cụ Phạm Thị Ngoan có sức lan tỏa trong cộng đồng, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác tại địa phương. Trong năm qua, nhân dân trong xã đã góp hàng chục tỷ đồng kiến thiết hạ tầng, phát triển giao thông nông thôn, hoàn thiện cầu cống theo chuẩn quốc gia. Để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Đông Hòa Hiệp tiếp tục huy động nguồn lực gần 100 tỷ đồng, trong đó riêng nhân dân địa phương đóng góp gần 20 tỷ đồng gồm tiền mặt và hiến đất hoàn thiện cơ sở hạ tầng…, chiếm 20% tổng nguồn vốn đầu tư.

Vừa qua, lãnh đạo huyện Cái Bè đã trao tặng Giấy khen cho cụ bà Phạm Thị Ngoan nhằm ghi nhận với những đóng góp quí báu của cụ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đặc biệt là cho sự nghiệp “trăm năm trồng người” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Minh Trí (TTXVN)
Yếu tố khiến đất nền Thanh Hoá tăng giá
Yếu tố khiến đất nền Thanh Hoá tăng giá

Giá đất nền tại tỉnh Thanh Hóa đang ghi nhận tăng gấp đôi, gấp ba so với cuối năm 2020 do những thông tin tốt cả về điều kiện chính trị, hạ tầng và các nhà đầu tư lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN