Nhiều chiến sĩ Cảnh sát đã anh dũng hy sinh trên các mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bị tổn hại sức khỏe khi thi hành công vụ. Họ là đại diện tiêu biểu cho sự cống hiến, hy sinh cho cuộc chiến đấu để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Vượt lên thương tật Trong cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt với tội phạm, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm, lập nên những thành tích, chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để đổi lại thành quả đó không thể không nhắc tới sự mất mát, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát. Chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới đến nay, đã có 162 chiến sĩ Cảnh sát nhân dân anh dũng hy sinh trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm; hơn một nghìn cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát bị thương hoặc phơi nhiễm HIV; hàng nghìn chiến sỹ Cảnh sát bị tổn hại sức khỏe khi thi hành công vụ.
Có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát trong công tác đấu tranh với tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại hiện trường. Những tình huống bất ngờ, vụ án phức tạp đòi hỏi công tác nghiệp vụ sắc bén, bền bỉ, thử thách, thậm chí đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, xả thân cho nhiệm vụ. Nhiều hình ảnh người cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát bị thương khi thi hành công vụ tại hiện trường đã gây xúc động, cảm phục trong lòng người dân cả nước.
Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, người bị thương trong khi thi hành công vụ tại huyện Lắk hồi tháng 4/2016. Ảnh: baodaklak.vn |
Vào tháng 4 năm 2016, nhận được báo cáo về đối tượng Nguyễn Xuân Minh (31 tuổi, trú tại xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) sử dụng 3 quả mìn tự chế, cố thủ trong nhà nghỉ, khống chế đe dọa giết vợ và tự sát, Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã lập tức đến thẳng hiện trường, trực tiếp chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ phong tỏa hiện trường, tiếp cận đối tượng, vận động, thuyết phục.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ thuyết phục, đối tượng đã đồng ý gỡ 3 quả mìn, cùng vợ ra khỏi phòng và hứa sẽ giao nộp mìn cho cơ quan Công an. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi nhà nghỉ, đối tượng có biểu hiện tâm lý bất thường, liên tục la hét, không chịu giao nộp 3 quả mìn cho cơ quan Công an và lấy trong người mìn tự chế ném vào làn xe tải trên đường… Vụ nổ làm Đại tá Phạm Minh Thắng bị một viên bi từ quả mìn tự chế bắn ra, gây nứt xương cánh tay trái. Hình ảnh Đại tá Phạm Minh Thắng bị thương tại hiện trường khi đối tượng dùng mìn tự chế tự sát đã gây xúc động, cảm phục trong lòng người dân cả nước.
Đã có rất nhiều tấm gương chiến sỹ cảnh sát bị thương tật khi thi hành công vụ, sức khỏe không được như trước, nhưng với các anh, công việc vẫn luôn đặt lên hàng đầu, để tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, cuộc sống của người dân bình yên. Đại úy Phà Mò Giờ, Công an huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, là một tấm gương như vậy.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh miền núi Lào Cai, là người dân tộc Hà Nhì, anh Phà Mò Giờ vinh dự được tuyển chọn vào ngành Công an và được công tác ngay trên mảnh đất quê hương thân yêu của mình. Năm 2005, trong khi tham gia truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Phàn A Gát, can tội giết nhiều người, anh Phà Mò Giờ cùng đồng đội đã triển khai thực hiện kế hoạch, kiên trì mai phục ở những nơi rừng núi hiểm trở đối tượng có thể xuất hiện, chịu đói, chịu rét nhiều ngày với quyết tâm cao nhất phải bắt bằng được đối tượng.
Khi phát hiện đối tượng ẩn náu ở trong hang, lực lượng vây bắt khép chặt vòng vây. Như một con thú dữ cùng đường, Phàn A Gát đã dùng súng bắn thẳng vào lực lượng truy bắt làm cho 5 đồng chí bị thương, trong đó bản thân anh Phà Mò Giờ bị những chùm đạn ghém từ nòng súng kíp có sức công phá mạnh xuyên vào phần mềm ngực phải, làm anh bị gãy xương sườn và chấn thương màng phổi. Lúc ấy, tuy vết thương sâu, máu ra nhiều nhưng anh và đồng đội vẫn cố gắng cầm máu, tiếp tục bám sát, kiên quyết truy bắt đối tượng. Sau đợt truy bắt này, dù đã được điều trị tích cực, anh trở về công tác tại đơn vị với mức thương tật 24%.
Tuy bị vết thương hành hạ, nhất là những ngày trái gió trở trời, Đại úy Phà Mò Giờ cũng như nhiều thương binh khác đã vượt qua nỗi đau đớn về thể xác, vượt qua khó khăn của cuộc sống để vươn lên công tác thật tốt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Ngoài công việc thường nhật tại địa bàn xã Y Tý, mỗi khi có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhận lệnh cấp trên, anh lại cùng đồng đội tham gia phá án. Dù sức khỏe không như trước, nhưng với anh công việc vẫn luôn đặt lên hàng đầu, để nơi vùng biên của Tổ quốc tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, cuộc sống của người dân bình yên. Tính từ đầu năm đến nay, Đại úy Phà Mò Giờ phối hợp với Công an xã đã vận động, bắt 9 đối tượng nghiện đi cai nghiện cộng đồng. Mới đây, trong tháng 5, 6 năm 2017, anh cùng đồng đội đã bắt một số vụ mua bán chất ma túy, trong đó có đối tượng manh động chống đối hòng bỏ trốn.
Nhân rộng các điển hình tiên tiến Nói về những tấm gương thương binh, liệt sỹ Cảnh sát nhân dân, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến, những tấm gương tiêu biểu, mẫu mực nhằm cổ vũ, động viên và là nguồn cảm hứng sâu sắc trong công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân. Trong thời gian tới, Tổng cục Cảnh sát sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo một cách thiết thực hơn nữa đối với các đồng chí thương binh, các thân nhân gia đình liệt sỹ Cảnh sát nhân dân.
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao... có xu hướng gia tăng, tính chất của tội phạm manh động, liều lĩnh hơn, gây án dã man, tàn bạo. Trước tình tình đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát nhân dân tập trung trấn áp các loại tội phạm, khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ án trọng điểm, đặc biệt nghiêm trọng, góp phần ổn định xã hội.
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát nhân dân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, luôn nêu cao ý chí cách mạng; tăng cường đoàn kết, siết chặt kỷ luật kỷ cương; tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện thật tốt Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực, đổi mới toàn diện các mặt công tác; chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để mãi mãi xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho lực lượng Cảnh sát nhân dân.