Đến nay, cô đã tạo ra 19 sản phẩm thảo dược có nguồn gốc tự nhiên cung cấp cho thị trường, doanh thu đạt hơn 200 triệu/tháng, đi đầu trong phong trào khởi nghiệp của thanh niên tỉnh Bắc Ninh.
Nắm bắt được xu hướng nhiều người thích sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, năm 2014, sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Thương mại Hà Nội), Vũ Thị Thu đã chọn quả bồ kết là sản phẩm để khởi nghiệp và quyết tâm thực hiện, theo đuổi đam mê kinh doanh.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, Thu cho biết: Tôi biết đến quả bồ kết qua việc các bà, các mẹ sử dụng để gội đầu. Đồng thời, qua tìm hiểu kinh nghiệm dân gian của người xưa để lại và một số nghiên cứu khoa học về chiết xuất các sản phẩm tự nhiên, tôi bắt đầu mua bồ kết, rang lên bán cho những người quen biết, với số vốn ban đầu chưa đầy 10 triệu đồng.
Vận dụng kiến thức kinh doanh đã được học trong nhà trường, Thu đã tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, nhanh chóng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, số lượng khách hàng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Theo nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, Thu nghiên cứu, tìm tòi để sản xuất sản phẩm nuớc gội đầu bồ kết và đã thành công với dầu gội đầu bồ kết đóng chai với tên gọi VietKet. Khác với các loại dầu gội bồ kết trên thị trường, dầu gội đầu bồ kết VietKet do Thu sáng tạo được làm từ 100% thảo dược thiên nhiên, các khâu rang, sấy sản phẩm và nghiền bột đều không có chất bảo quản, an toàn cho người sử dụng.
Không dừng lại ở sản phẩm bồ kết, Thu mở rộng khai thác các loại cây thảo dược khác để đa dạng hóa sản phẩm của mình.
Mặc dù nhiều lần thất bại nhưng cô gái trẻ vẫn không lùi bước. Thời gian đầu, khi đưa giống hương thảo, xạ hương về trồng, Thu gặp khó khăn bởi đây là cây ưa khí hậu mát mẻ của Đà Lạt nên bị chết rất nhiều. Đã có lúc Thu muốn bỏ cuộc, nhưng rồi với sự quyết tâm cùng với sự hỗ trợ từ chồng và bố mẹ, Thu đã thành công.
Ban đầu, với quy mô hạn chế, Thu ươm cây tại khu vườn nhỏ với diện tích 400 m2, dần dần cô thuê đất của người dân trong làng mở rộng diện tích lên 7.500 m2 để trồng các cây thảo dược như hương nhu trắng, hương nhu tía, cây hương thảo, cỏ mần trầu, tía tô, kinh giới… phục vụ sản xuất bột tắm thảo dược, nước súc miệng, tinh dầu hương thảo, cao bồ kết, tinh dầu bưởi… Đặc biệt, khi chăm sóc cây, Thu tận dụng phân bò, gà; thân cây ngô, cây đỗ tương ủ để bón ruộng. Sản phẩm do Thu sáng tạo đều thân thiện với môi trường, tốt cho người sử dụng.
Năm 2018, được sự ủng hộ của gia đình, cùng sự hỗ trợ các cấp Đoàn Thanh niên, Thu mạnh dạn vay vốn và được chọn là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu do Tỉnh đoàn Bắc Ninh phát động. Thu được hỗ trợ vay vốn 1,5 tỷ đồng để đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, đảm bảo nguồn đầu vào cho sản phẩm.
Đến nay, sau 4 năm khởi nghiệp, Thu đã có lượng khách hàng ổn định, doanh số trung bình đạt 200 triệu/tháng, tháng cao điểm là khoảng 300 triệu/tháng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 14 lao động với mức lương từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Cô Trần Thị Hưởng, thôn Thiên Đức, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), tâm sự: “Cô làm việc ở đây từ khi Thu bắt đầu mở xưởng sản xuất. Công việc ở đây khá tốt, không độc hại, mang lại thu nhập ổn định 6 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền đáng mơ ước của những người làm nông nghiệp như cô”.
Theo Vũ Thị Thu, điều cần thiết nhất với thanh niên khởi nghiệp là tìm hướng đi đúng đắn, có nguồn vốn và cần nỗ lực, quyết tâm thực hiện ý tưởng đó. Với mong muốn mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị, sân bay, Thu đang xin cấp giấy phép lưu hành cho các sản phẩm thương hiệu VietKet của mình. Thu cũng mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, hướng dẫn người dân trong vùng cách trồng cây dược liệu và cam kết bao tiêu sản phẩm để có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa.
Đánh giá về quá trình khởi nghiệp của Thu, anh Nguyễn Thành Chung, Phó Bí thư Huyện đoàn Gia Bình, cho biết: Vũ Thị Thu là nữ thanh niên tiêu biểu, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán trong việc lựa chọn con đường khởi nghiệp của mình. Cách làm của Thu đã trở thành tấm gương điển hình cho phong trào thanh niên khởi nghiệp của huyện. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã đến học hỏi và được Thu tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Tỉnh Đoàn Bắc Ninh là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước xây dựng Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025”, với nguồn vốn hỗ trợ được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với tổng kinh phí 20 tỷ đồng, mức lãi suất 5%/năm. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã triển khai, ra quyết định cho 15 dự án được hỗ trợ vốn vay thanh niên khởi nghiệp với tổng số tiền 10,2 tỷ đồng.