Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Phượng Thu (ở Phường 4, thành phố Sa Đéc). Bà được người dân xung quanh thường gọi với biệt danh trìu mến - "Cô Tư Bảnh vá đường".
Bà Nguyễn Thị Phượng Thu với công việc vá đường tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành. |
Bà Tư Bảnh xuất thân trong một gia đình khó khăn. Hiện tại, cuộc sống của người phụ nữ sinh năm 1964 này cũng chẳng khấm khá gì. Không đất đai, không việc làm ổn định, phải ở nhà thuê, ai mướn gì làm đó để tự trang trải cho cuộc sống của bà và đứa cháu ngoại 6 tuổi. Bà không từ bất cứ việc gì, từ phụ việc cho quán phở, chạy xe ôm, nhặt ve chai, giặt đồ thuê... để tìm thu nhập hơn 100 nghìn đồng/ngày.
Cuộc sống còn vất vả nhưng hễ xong việc, mỗi lúc rảnh rỗi và dành dụm được vài trăm nghìn là bà Tư lại có mặt trên các tuyến đường ở Phường 3, Phường 4 (thành phố Sa Đéc) và xã An Hiệp (huyện Châu Thành) để vá đường. Không ít người nhìn vào hoàn cảnh cùng những việc bà đã làm cho rằng "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Với bà Tư, đó là việc thiện mang lại lợi ích cho nhiều người. Niềm vui lớn nhất là đổi lấy sự an toàn cho người dân khi đi đường.
Bà Tư kể, công việc của bà bắt đầu từ thuở đôi mươi. Với chiếc xe đẩy để buôn bán nhỏ, nuôi 6 miệng ăn, không dư giả song có thể tận dùng nó để tranh thủ nhặt bê tông vụn hoặc than đá tổ ong để để lấp lại chỗ trũng cho bằng phẳng. Giờ đây, 4 người con đã trưởng thành, bà không còn phải bận chuyện mưu sinh. Cứ dành dụm được ít tiền, bà lại mua xi măng, cát đá san lấp các đoạn đường bị hư hỏng.
Những tuyến đường có bàn tay bà Tư dặm vá, không đếm xuể những ổ gà, ổ voi đã được san phẳng. Anh Đào Ngọc Hải ( ở đường Trần Văn Voi, Phường 4, thành phố Sa Đéc) cho biết, trước đây, đoạn đường này nhiều ổ gà lắm, chạy xe rất nguy hiểm. Chạy đến những đoạn đó, ai cũng tìm thế lách, vì thế dễ xảy ra va quẹt. Từ ngày được bà Tư vá lại, nó trở nên bằng phẳng, chạy rất êm.
Là phụ nữ nhưng bà Tư thành thạo hết các công đoạn, từ tính toán khối lượng cát, đá, xi măng cho từng kích thước và số lượng ổ gà cần san lấp cho đến việc trộn, đắp,... "Công việc cũng không có gì, muốn làm là làm được"- bà Tư cho biết.
Nói về cơ duyên gắn với công việc vá đường, bà Tư chia sẻ, vá đường, mọi người được hưởng lợi, từ bản thân đến họ hàng, xóm giềng. Lâu thành thói quen, phải bắt tay làm ở những nơi cần vá dặm. Bà Tư chia sẻ thêm, nhiều người chỉ trỏ ấy là việc Nhà nước, riêng bà lại nghĩ: công việc Nhà nước còn nhiều, bản thân giúp sức được phần nào cũng nên làm.
Với suy nghĩ đó, bao nhiêu tiền dành dụm, tích góp và các phần thưởng của chính quyền, đoàn thể biểu dương, bà đều mua nguyên, vật liệu để vá đường. Chỉ vào hơn 24 mươi bao xi măng và khối cát, đá, bà Tư cười khoe, nhờ phần thưởng của Ban An toàn giao thông và Ủy ban nhân dân tỉnh, bà mua được thêm khá nhiều vật liệu, vá được nhiều đoạn đường bị hư hỏng.
Nhận xét về bà Tư, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Sa Đéc nói, "chị Phượng Thu là một trong những tấm gương phụ nữ tiêu biểu điển hình về người tốt việc tốt trên địa bàn thành phố. Nhờ việc làm cao đẹp xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện của chị, việc đi lại của người dân được dễ dàng và an toàn hơn". Bà Hiền cho biết thêm, tranh thủ những hôm rỗi rảnh, trời mưa không thể vá đường, bà Tư thường đi hái thuốc nam để giúp cho những người nghèo. "Hiếm có ai, trong hoàn cảnh khó khăn mà không có tinh thần vị kỷ và đóng góp vào an sinh xã hội như chị ấy".
Ngoài công việc vá đường, bà Thu hái và phơi thuốc nam để làm từ thiện. |
Công việc thầm lặng nhưng giàu ý nghĩa nhân văn. Vừa qua, bà Tư đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen "Gương người tốt, việc tốt năm 2017", Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp tặng Giấy khen vì thành tích đóng góp bỏ công sức, kinh phí để dặm vá ổ gà mặt đường, góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.
Cuộc sống vốn còn nhiều bộn bề, dẫu còn lắm khó khăn, vất vả, nỗi lo toan về cuộc sống mưu sinh vẫn còn đó, nhưng bà Tư với tấm lòng mê "chuyện bao đồng" như "một thứ thanh âm trong trẻo" góp phần làm đẹp cho quê hương, làm đẹp cho đời.