“Trùm”... kích bình
TP Hồ Chí Minh những ngày tháng 4, thời tiết nóng bức, oi ả đến ngạt thở. Xe cộ qua lại đông đúc càng khiến người ta cảm thấy mệt mỏi. Tại góc ngã tư đường Ba Tháng Hai – Lê Hồng Phong, các chiến sĩ cảnh sát giao thông vẫn đang làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông bất chấp cái nắng gay gắt đến bỏng da. Bên kia đường, một chiếc ô tô đang di chuyển bỗng đỗ xịch giữa đường, dòng phương tiện bắt đầu ùn ứ. Thấy thế, một cảnh sát giao thông nhanh chóng chạy đến rồi cùng mấy thanh niên gần đó hì hục đẩy chiếc xe tấp vào lề đường.
Anh cảnh sát giao thông vừa nói chuyện với tài xế, vừa giở nắp capô xe xem xét. Cứ như chuẩn bị từ trước, anh lấy từ trong túi ra cục “kích” bình ắc quy nhỏ gọn, đôi tay thoăn thoắt, thuần thục các thao tác... Chẳng mấy chốc, chiếc xe vừa chết máy được “cứu”. Nhìn bác lái xe cười mãn nguyện, miệng ríu rít cảm ơn cũng đủ biết trong lòng anh “mát” cỡ nào! Quệt vội những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên mặt, anh cảnh sát giao thông quay lại chốt với công việc điều tiết giao thông của mình.
Người chiến sĩ cảnh sát giao thông kia chính là Đại úy Đỗ Tấn Đạt - đang công tác tại Đội CSGT Bàn Cờ (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh). Anh cũng là một trong các thành viên nổi trội của nhóm “kích” bình ắc quy ("kích" bình) miễn phí, giúp đỡ các tài xế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận khi không may xe gặp sự cố, hỏng hóc giữa đường.
Hẹn gặp anh vào giờ nghỉ trưa tại cơ quan làm việc, trong bộ quân phục chỉnh tề với nụ cười quen thuộc, Đại uý Đỗ Tấn Đạt hào hứng nói về công việc “kích” bình của mình. Theo đó, từ năm 2017, nhờ mạng xã hội, anh bén duyên với các anh em trong nhóm hỗ trợ xe cộ gặp sự cố, nhất là xe bị chết máy, hỏng hóc. Ai giỏi việc nào thì hỗ trợ việc đó, ai ở gần thì chạy đến giúp đỡ thông qua số điện thoại, tin nhắn trên nhóm. Bất kể ngày hay đêm hoặc có khi trong lúc đang làm nhiệm vụ, nếu phát hiện xe nào bị chết máy nằm trên đường, anh liền hỏi thăm xem xe bị sự cố gì, nếu hết bình ắc quy thì sẽ “kích” bình giúp tài xế, còn xe hư do sự cố máy móc sẽ được hỗ trợ đẩy vào lề để sửa chữa sau. “Vừa giúp đỡ người khác cũng coi như là hỗ trợ điều tiết, tránh ách tắc giao thông”, Đạt cười nói.
Trong nhóm “kích” bình, hỗ trợ xe cộ cũng có nhiều anh em, bạn bè với nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đều có điểm chung là thích giúp đỡ người khác. “Sau khi hỗ trợ “kích” bình cho rất nhiều tài xế, anh em thấy mình thân thiện, gần gũi nên đã đặt cho mình biệt danh “trùm kích bình” hoặc cũng có thể mình là cảnh sát duy nhất tham gia trong nhóm nên được anh em ưu ái gọi với biệt danh này cũng không chừng”, Đại uý Đạt hài hước.
Niềm vui từ "nghề tay trái”
Với lòng nhiệt thành giúp đỡ người khác, Đại úy Đạt đã giúp đỡ miễn phí cho hàng trăm trường hợp xe cộ cần hỗ trợ. “Lúc đó mình đang làm nhiệm vụ thì nhận được điện thoại, ngay lập tức mình báo lại với cấp trên rồi nhanh chóng chạy tới nơi xem tình hình. Vừa dừng xe, anh tài xế “hết hồn” vội cầm giấy tờ xe chạy tới phân bua, giải thích vì không phải cố tình đỗ xe không đúng nơi quy định. Nhiều người dân xung quanh cũng tham gia giải thích giúp ảnh. Mình mới xác nhận là có phải anh vừa gọi hỗ trợ “kích” bình “cứu” xe không? Em chuyên kích bình đây! Mọi người lúc này ai nấy đều ngỡ ngàng vì không ai nghĩ “trùm" kích bình lại là một cảnh sát giao thông!. Sau khi giúp xe hoạt động trở lại bình thường, anh tài xế cảm ơn rối rít rồi nổ máy đi tiếp”, Đại uý Đạt kể.
Rồi có những cuộc điện thoại “cầu cứu” xe vào giữa trưa, gần sáng hoặc kể cả đêm khuya... thấy mình làm được, anh đều có mặt và sốt sắng giúp đỡ. “Hồi trước, lúc mới bắt đầu, gia đình cũng không thích lắm. Vì tính chất công việc cũng khá bận rộn, rồi còn hỗ trợ “cứu” xe mọi lúc mọi nơi không có thời gian dành cho gia đình, nhưng dần dà rồi mọi người cũng quen và thấy có ích cho xã hội nên cũng vui vẻ ủng hộ. Cũng không ít lần mình nhận điện thoại, chạy tới nơi không thấy xe đâu, gọi hỏi thì được báo là xe đã được “cứu”, lại phải chạy thêm mấy cây số để quay về nhà”, Đại uý Đạt cho biết.
Anh Nguyễn Hữu Trí đang chở khách từ Bình Thuận đi TP Hồ Chí Minh khám bệnh thì ô tô bị chết máy trên đường Lý Thái Tổ (quận 3), chia sẻ: “Sau khi xe ô tô chết máy, tôi không biết phải sửa chữa như thế nào và đã xin được số của anh Đạt trên mạng xã hội rồi nhờ anh ấy đến hỗ trợ. Sau khi liên hệ, anh Đạt đã nhận lời đến giúp. Sau khoảng 5 phút, xe tôi đã được anh Đạt giúp hoạt động trở lại bình thường, anh Đạt tốt bụng và thân thiện”.
Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đội trưởng Đội Bàn Cờ, cho biết: “Trong năm 2018, đồng chí Đạt là chiến sĩ tiên tiến của đơn vị, hàng ngày đi công tác xử lý chuyên đề, xử lý nồng độ cồn, tuần tra kiểm soát và điều hòa giao thông tại các chốt giao thông trên địa bàn đảm trách Đạt cũng thường xuyên hỗ trợ người dân đi đường khi xe gặp sự cố chết máy. Đây cũng là một trong những việc làm thiết thực cho xã hội mà đơn vị hết sức ủng hộ, tạo điều kiện, đồng thời khuyến khích nhân rộng gương điển hình cũng như hành động giúp đỡ người dân bằng nhiều hình thức khác nhau để xây hình ảnh người cảnh sát giao thông ngày một tốt hơn”.
Chào tạm biệt chúng tôi, Đại úy Đỗ Tấn Đạt nói: “Ngày nào còn người cần giúp đỡ là sẵn lòng hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi, miễn là trong khả năng của mình”. Nghe tiếng điện thoại reo, anh xin phép nghe máy. Bên kia đầu dây không biết ai đang gọi, nhưng chúng tôi tin rằng dù là nhiệm vụ, việc gia đình, việc xã hội... với lòng nhiệt thành của mình, Đại uý Đạt đều được mọi người yêu mến.