Bác sĩ trẻ 'truyền lửa' chiến thắng đại dịch COVID-19

Trước một đại dịch chưa từng có tiền lệ như dịch COVID-19, nhiều "chiến sỹ áo trắng" đã lao vào cuộc chiến và vững vàng đối mặt.

Chú thích ảnh
Bác sỹ trẻ Lê Kim Bình - Trưởng khu điều trị F0 nhẹ - trung bình (Bệnh viện Dã Chiến số 1) nghiên cứu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân mắc COVID-19 để có hướng điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe mỗi người. 

Tại Bến Tre, bác sỹ trẻ Lê Kim Bình (37 tuổi), Khoa Lao phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bến Tre đã có mặt tại Bệnh viện Dã chiến số 1 từ những ngày đầu thành lập, cùng đồng nghiệp "chiến đấu" trên chiến trường không tiếng súng, giúp nhiều bệnh nhân chiến thắng dịch bệnh.

Tháng 7/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, có trụ sở tại ấp 2, xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Được phân công làm Trưởng khu điều trị F0 nhẹ và trung bình, bác sỹ Lê Kim Bình đã tích cực triển khai bố trí nhân sự, phòng điều trị bệnh nhân, bổ sung trang thiết bị, nhập thuốc chống dịch, chuẩn bị các khâu cho công tác điều trị.

Bác sỹ Lê Kim Bình nhớ lại, trong 14 ngày đầu, mọi việc hầu như "rối như tơ vò" và chưa vào được guồng. Với trách nhiệm của người quản lý, kiêm bác sỹ điều trị, 42 ngày đêm, bác sỹ Bình ròng rã "lấy bệnh viện làm nhà" vừa chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, vừa sắp xếp lại mọi thứ để hình thành nên bệnh viện. Không ít lần bệnh nhân thấy anh gánh vác luôn cả việc điều dưỡng, thậm chí khuân vác nước…

Trong nhiều tuần, bệnh nhân đông, nhân lực, vật lực trang thiết bị còn thiếu thốn, chế độ làm việc khá áp lực cả về thời gian lẫn thể lực. Nhiều ngày liên tục, anh cùng các cộng sự phải mặc đồ bảo hộ từ 10 giờ trở lên. Chuyện ăn, chuyện ngủ cũng phải rất "tranh thủ", song chưa một lần người bác sỹ trẻ chùn chân, nản chí. Anh tự nhủ, bệnh nhân đang ở lằn ranh sinh tử, họ cần mình, mình phải là chỗ dựa cho họ về mọi mặt. Cứ thế, anh truyền lửa cho các nhân viên y tế, để nỗ lực cùng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Với kinh nghiệm 11 năm công tác trong chuyên ngành lao phổi, bác sĩ Bình sớm thích ứng với nhiệm vụ, nhanh chóng sử dụng thành thạo các máy móc. Từ đó, anh hướng dẫn các bác sĩ, điều dưỡng cách sử dụng các loại máy oxy mask, HFNC… Vừa làm vừa học, chỉ trong thời gian ngắn, cả đội ngũ đã sử dụng thành thạo các thiết bị mà trước đây chưa bao giờ "nhìn qua".

Chú thích ảnh
Bác sỹ trẻ Lê Kim Bình - Trưởng khu điều trị F0 nhẹ - trung bình (Bệnh viện Dã Chiến số 1) luôn túc trực, có mặt kịp thời để theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân mắc COVID-19 và đưa ra các y lệnh khi cần thông qua hệ thống bộ đàm. 

Anh Bình chia sẻ, có lẽ áp lực nhất là áp lực số ca F0 tiếp nhận liên tiếp tăng trong những ngày Bệnh viện mới thành lập, số ca trở nặng phải chuyển viện cũng không ít, thậm chí nhiều ca tử vong. Trên cơ sở phác đồ điều trị của Bộ Y tế, bác sỹ Bình đã điều chỉnh phù hợp theo tình hình diễn biến của từng nhóm bệnh nhân tại bệnh viện để chủ động phát hiện diễn biến nặng, tích cực hội chuẩn từ xa, can thiệp điều trị sớm, rút ngắn quy trình, sử dụng đúng thuốc cho từng ca bệnh. Việc thăm khám thường xuyên từng bệnh nhân được thực hiện ít nhất 2 lần/ngày để phát hiện sớm những ca có khả năng trở nặng đột ngột. Từ đó, cả đơn vị dần bắt được nhịp, giảm sâu tỷ lệ ca chuyển nặng, chuyển tầng điều trị, ca tử vong.

Bà P.T.N.M (sinh năm 1954), ở Vang Quới Tây, huyện Bình Đại, Bến Tre, cho biết: Bà phát hiện dương tính với SARS-Cov-2 và nhập viện vào Bệnh viện Dã chiến số 1 ngày 12/2. Lúc đó bà rất lo lắng vì tuổi đã cao nhưng vào được viện bà thấy vững tinh thần hơn. Bệnh nhân luôn nhận được sự chăm sóc tận tình và có mặt kịp thời của bác sỹ. Không chỉ vậy, sự động viên, giúp đỡ của các bác sỹ trong lúc thăm khám, nhất là của bác sỹ Bình còn giúp bệnh nhân lấy lại bình tĩnh, thực hiện đúng hướng dẫn. Đây chính là liều thuốc tinh thần giúp người bệnh vượt qua "lằn ranh sự sống và cái chết", chiến đấu và chiến thắng giặc COVID-19.

Không chỉ với bệnh nhân, trong mối quan hệ với đồng nghiệp, bác sỹ Bình luôn là người có tâm, sẵn sàng "truyền lửa" và phối hợp nhịp nhàng với ca kíp bằng sự chân thành, gần gũi. Cùng có mặt tại Bệnh viện dã chiến từ ngày 14/7, điều dưỡng Nguyễn Thị Mộng Tuyền tâm sự: Những ngày đầu được phân công vào khu cách ly, điều trị F0, tôi cũng lo lắng về nơi làm việc vất vả, áp lực và khả năng lây nhiễm cao. Tuy nhiên, bằng sự động viên, chỉ dẫn, phân công công việc hợp lý, bác sỹ Bình đã đảm bảo sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi cho nhân viên y tế. Nhờ vậy đến nay không có nhân viên nào trong khu điều trị mắc COVID-19 hay gặp sự cố tai nạn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, sự túc trực gần như mọi lúc trong buồng chuyên môn của bác sỹ Lê Kim Bình đã giúp vai trò "cầu nối" của điều dưỡng trở nên hữu ích hơn, các ca kíp trở nên tự tin và chuyên môn tay nghề ngày càng được nâng lên.

Chú thích ảnh
Bác sỹ trẻ Lê Kim Bình - Trưởng khu điều trị F0 nhẹ - trung bình (Bệnh viện Dã Chiến số 1) trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn với các đồng nghiệp. 

Trong đợt điều trị từ tháng 7/2021 đến nay, Bệnh viện Dã chiến số 1 đã thu dung, điều trị hơn 1.021 trường hợp F0, trong đó điều trị ra viện là 957 ca, chuyển viện lên tầng 3 là 53 ca, tử vong tại bệnh viện là 18.

Bác sỹ chuyên khoa I  Đường Văn Chánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bến Tre cho biết, đơn vị hiện có 13 bác sỹ, trong đó bác sĩ Bình là một trong những bác sỹ trẻ được đào tạo bài bản, luôn tận tâm với nghề. Nhận nhiệm vụ công tác từ năm 2011, với tinh thần trách nhiệm cao, lòng yêu nghề và yêu thương người bệnh, bác sỹ Bình luôn đi đầu, tìm tòi, học hỏi để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ngay cả trong quá trình điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc hay bệnh nhân mắc COVID-19.

Với tinh thần trách nhiệm cao, năm 2021, bác sỹ Lê Kim Bình đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và được Sở Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ghi nhận, khen thưởng đột xuất.

Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Bác sĩ Việt kiều nặng lòng với quê hương
Bác sĩ Việt kiều nặng lòng với quê hương

Không ngừng trau dồi chuyên môn để trở thành một bác sĩ đầu ngành trong giới y khoa Pháp và quốc tế, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn đã đóng góp không ngừng nghỉ cùng các bác sĩ, thầy thuốc, các nhà nghiên cứu y học Việt Nam phát triển nền y học nước nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN