Tại hội thảo “Hàng Việt Nam vì người tiêu dùng Việt Nam”, do hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam đã tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, để người tiêu dùng thực sự ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần chú trọng áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành.
Khách thăm và mua sắm tại hội chợ đồ dùng và quà tặng 2014. Ảnh: Trần Việt - TTXVN. |
Theo báo cáo điều tra dư luận xã hội về kết quả 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện mới đây thì 92% người được hỏi quan tâm tới cuộc vận động; 57% người cho rằng công tác thông tin, tuyên truyền cuộc vận động đã có nỗ lực lớn; và có 63% người ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá sự chuyển biến về hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam với một số mặt hàng cụ thể sau 4 năm thực hiện cuộc vận động do Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tháng 9/2014. Chẳng hạn, đối với mặt hàng dệt may, về phía sản xuất, tỷ lệ nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm đáng kể ở mức 37%, so với mức 75-80% của giai đoạn trước; về phía tiêu dùng, mặc dù chưa thể cạnh tranh được với hàng nhập lậu, nhưng tại nhiều nơi, nhất là tại các đô thị, phong trào dùng hàng may mặc sản xuất trong nước đã được hình thành và trở thành xu hướng. Đối với sữa và các sản phẩm từ sữa, ngoài sữa bột trẻ em do các nhãn hàng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường; thị phần chủ yếu của các sản phẩm sữa khác như sữa đặc, sữa chua, sữa tươi… do các doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, TH Truemilk… nắm giữ. Kết quả trên cho thấy cuộc vận động này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp và bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong hành vi tiêu dùng của người dân, chuyển từ tiêu dùng hàng ngoại sang sử dụng hàng do doanh nghiệp nội địa sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Dương Duy Hưng, Vụ phó Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, lĩnh vực sản xuất trong nước vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: mẫu mã, chủng loại hàng hóa sản xuất trong nước chưa đa dạng, phong phú, chậm thay đổi, chưa phục vụ tốt thị hiếu người tiêu dùng so với hàng hóa nhập khẩu, giá cả chưa mang tính cạnh tranh; hàng hóa trong nước chịu sự cạnh tranh lớn từ hàng hóa nhập khẩu; công tác giám sát thị trường còn hạn chế bất cập, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính; doanh nghiệp sản xuất trong nước ít chú trọng quảng bá, tuyên truyền, dịch vụ chăm sóc người tiêu dùng; thiếu thông tin kết nối giữa nhà sản xuất và các đơn vị phân phối hàng hóa.
Ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam, cho biết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ là việc làm trước mắt mà còn là thường xuyên, liên tục và lâu dài. Để làm được điều đó, Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng quy hoạnh phát triển theo một chiến lược đúng đắn; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và môi trường kinh doanh thuận lợi và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Thêm vào đó, Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, bảo đảm cho doanh nghiệp được điều hành và kiểm soát; tuân thủ và kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro sự lạm dụng quyền lực và chức vụ có nguồn gốc từ giao dịch các bên liên quan. Các doanh nghiệp nên hợp tác, liên kết vì lợi ích chung, khắc phục tình trạng riêng rẽ, và từ bỏ việc kinh doanh chộp giật, tư duy “các bên cùng thắng”. Các doanh nghiệp phải đầu tư vào việc đào tạo đội ngũ nhân lực…
Khánh An