Khi không kiểm soát
Đoạn video quay tại buổi lễ 'Vầng trăng yêu thương' tổ chức dịp Trung thu 2020 cho thấy các học sinh đang thực hiện những động tác vũ đạo trên nền nhạc của bài hát WAP do Cardi B và Megan Thee Stallion thể hiện. Đây là một bài hát có nội dung 18+, có nhiều chi tiết được đánh giá là phản cảm, không hợp thuần phong mỹ tục.
Mới đây (ngày 1/10), ca sĩ Cardi B - rapper hạng A trong giới nhạc rap thế giới- sau khi xem video tỏ ra rất lo lắng và chia sẻ quan điểm trên tài khoản Twitter cá nhân (có hơn 14,7 triệu người theo dõi): 'When they find out the lyrics imma be in trouble' (Tạm dịch: Khi họ hiểu lời bài hát, tôi sẽ gặp rắc rối).
Ngay sau đó, đoạn video tạo nên làn sóng phản ứng khá mạnh mẽ khi hầu hết mọi người đều cho rằng bài hát không hề phù hợp để đưa vào diễn văn nghệ trong môi trường giáo dục, khi các em mới học lớp 6.
Trả lời phóng viên báo Tin tức, bà Lê Minh Nguyệt, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội cho biết: Chương trình “Vầng trăng yêu thương” là một hoạt động thường niên của nhà trường. Danh mục chương trình biểu diễn được nhà trường xây dựng và kiểm duyệt đầy đủ. Trong khi duyệt danh mục chương trình để biểu diễn thì không có tiết mục của hai nam sinh lớp 6. Nhưng khi chương trình kết thúc, hai nam sinh (vốn đoạt giải quốc gia về nhảy) xin được biểu diễn khuấy động không khí. Đó là lúc ngẫu hứng nên cô tổng phụ trách cũng đồng ý để hai con được nhảy. Hai nam sinh này đã rất quen thuộc với hoạt động văn thể mỹ của nhà trường nên dường như không có vấn đề gì xảy ra khi chương trình thực sự kết thúc”.
Tuy nhiên, sau khi sự việc diễn ra và đặc biệt với sự chia sẻ của ca sĩ Cardi B lên tài khoản cá nhân thì trường mới “tá hoả” về nội dung của nhạc bài hát mà hai nam sinh lớp 6 nhảy. Cô Nguyệt cho biết, cả hai nam sinh đều cho biết, không biết gì về lời bài hát cũng như không hiểu lời, “chỉ thấy nhạc vui nhộn và nhảy theo”.
“Nhận thức được tính chất sự việc, tôi đã trao đổi với hai học sinh, gia đình và họp Ban giám hiệu nhà trường. Chúng tôi đã làm bản tường trình, báo cáo và gửi về phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, Hà Nội về sự việc. Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm không chỉ của nhà trường mà còn là kinh nghiệm tổ chức sự kiện nói chung dành cho học sinh của các trường”, bà Lê Minh Nguyệt trao đổi.
Là một cán bộ phụ trách có kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện trong nhà trường, chị Hoàng Thu Anh (một trường THPT trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định: “Đa số các tiết mục dance, hiphop mà học sinh sử dụng hiện nay đều trên nền nhạc nước ngoài. Chắc chắn thầy cô sẽ phải kiểm duyệt khi đưa lên sân khấu, đó là nguyên tắc. Thời đại công nghệ thông tin, chỉ một giây bấm nút livestreams, cả thế giới được kết nối. Chưa kể, vấn đề bản quyền cũng cần người phụ trách chương trình đặt ra”.
Trách nhiệm thuộc về nơi tổ chức
Bà Doãn Linh Giang, Giám đốc điều hành Câu lạc bộ Nghệ thuật V-Art (V-Art Club), giảng viên trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội cho biết: Xét về phương diện nghệ thuật, các bạn học sinh hoàn toàn chỉ cảm thấy thích giai điệu và tiết tấu bài nhạc đó. Học sinh chỉ đơn thuần là cảm thấy thích và muốn nhảy múa hoặc hát theo giai điệu và tiết tấu đó.
“Xét về phương diện giáo dục, tôi thấy hai học sinh không có lỗi. Các em chỉ đơn thuần thích âm nhạc, không hiểu và cũng không quan tâm tới ý nghĩa lời nhạc. Chúng ta phải xem lại ở đây chính là sự quan tâm và đồng hành của người lớn”, bà Doãn Linh Giang bày tỏ.
Đặt vấn đề thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, trẻ em được tiếp xúc sớm với internet, đồng nghĩa với việc được tiếp cận với rất nhiều luồng thông tin khác nhau bao gồm cả những luồng thông tin không tốt và chưa phù hợp với lứa tuổi. Vì vậy, bà Doãn Linh Giang cho rằng, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lớn trong việc sát sao cũng như đồng hành cùng con trẻ trong việc định hướng, giáo dục và hướng dẫn các con tiếp cận được với nguồn thông tin “sạch” là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần phải rất tỉ mẩn và kỹ lưỡng trong việc định hướng cũng như hướng dẫn con trẻ biết cách tìm hiểu và sàng lọc thông tin cho trẻ em.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Với sự việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về người tổ chức chương trình, về nhà trường.
Ông Bùi Văn Linh cho rằng: Việc học sinh tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ là việc cần thiết để làm cho đời sống văn hoá, tinh thần được phong Phú hơn, thẩm thấu các giá trị văn hoá của dân tộc ta, cũng như các nước trên thế giới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 26/2017/TT-BGDĐT ngày 18/10/2017 về việc quy định tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, các trường học có trách nhiệm tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh cho học sinh, giáo dục chân - thiện - mỹ và góp phần phát triển năng lực, phẩm chất, giáo dục toàn diện cho học sinh.
“Việc làm trên của học sinh là không nên, các em cần tiếp cận với các nội dung văn hoá, bài hát lành mạnh, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp nhận thức lứa tuổi, thuần phong mỹ tục, văn hoá của dân tộc Việt Nam. Từ sự việc trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các nhà trường, các thầy cô giáo, cán bộ Đoàn-Đội cần tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ trong nội dung các tiết giảng, hoạt động trải nghiệm; tổ chức các câu lạc bộ văn hoá văn nghệ, tài năng, cuộc thi- hội thi- diễn kịch... và khuyến khích học sinh tham gia, để giúp các em hình thành các kỹ năng làm việc nhóm, năng lực, tố chất bản thân, nâng cao khả năng cảm nhận nghệ thuật, cái đẹp trong cuộc sống và khả năng tự phân định được các nội dung thiếu lành mạnh, chưa phù hợp để tránh xa…”, ông Bùi Văn Linh cho biết.
Ngoài việc các trường phải có trách nhiệm trong việc kiểm soát nội dung của học sinh khi biểu diễn, ông Bùi Văn Linh cho rằng, các bậc phụ huynh nên quan tâm, theo dõi các hoạt động của con em để động viên, khích lệ kịp thời và cảnh cáo đúng lúc các hành vi lệch chuẩn của học sinh, giúp các em tiến bộ toàn diện hơn.