Chị Thu Hằng, thuê trọ phường Vĩnh Phúc, Ba Đình (Hà Nội) cho biết: "Tôi xác định bị mắc COVID-19 từ ngày 17/2 và được chủ nhà trọ đưa cho số điện thoại của y tế phường để gọi. Tôi gọi cả chục cuộc, nhưng không liên lạc được, khi phản hồi lại với chủ nhà trọ thì được yêu cầu gọi bằng được theo số máy đó để được hỗ trợ. Đến sáng hôm sau, phải gọi vài cuộc tôi mới liên lạc được và được nhân viên y tế phường cho biết cả tháng nay “cháy máy” số điện thoại, từ người nhiễm đến nghi nhiễm đều gọi. Nhanh thì vài phút, không thì cả chục phút vì tâm lý khi bị mắc rất hoang mang cần tư vấn".
“Trung tâm y tế phường chỉ hỏi các triệu chứng và loại kit test chứ không kiểm chứng lại. Sau khi thông báo thì chiều có đại diện tổ COVID cộng đồng mang quyết định cách ly và ghi số điện thoại để add vào nhóm zalo tại địa phương. Trong nhóm có 2 bác sĩ công tác tại bệnh viện Phổi Trung ương hỗ trợ tư vấn, nên cũng đỡ lo và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tôi cũng đã tìm hiểu xem có hình thức khai báo điện tử nào không, nhưng không có và cán bộ địa phương cho biết không có hình thức nào khác gọi điện thoại. Với số ca mắc nhiều như hiện nay, Hà Nội nên có hệ thống khai báo điện tử vì sau này chúng tôi phải giải quyết nhiều thủ tục liên quan đến chế độ ốm đau, nghỉ dưỡng sức với cơ quan”, chị Thu Hằng cho biết.
Trong khi đó, anh Hà Trường Gia, phường Đội Cấn, Ba Đình chia sẻ: "Tôi bị mắc COVID-19 từ đầu tháng 2/2022. Tôi cũng gọi vài lần mới liên lạc được với trạm y tế phường và được yêu cầu ra trạm y tế phường test lại. Khi khẳng định dương tính COVID-19, tôi được phát ít thuốc và thực hiện cách ly. Sau khi âm tính, tôi lại phải ra phường xin giấy xác nhận để nộp cho công ty làm chế độ nghỉ ốm đau...".
“Quả thực, quay lại phường làm thủ tục cũng rất ngại vì thấy cảnh nhiều F0 đang chờ test và sợ tái nhiễm. Do đó, nếu có hình thức khai báo điện tử và xác nhận điện tử thì tốt hơn, tiện lợi cho cả nhân viên y tế phường lẫn người bệnh”, anh Hà Trường Gia cho hay.
Còn theo anh Tạ Quang Thái, ở phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa), cả gia đình anh đều là F0. Sau khi đăng lên facebook thì được cán bộ cơ sở trong khu dân cư gửi mẫu google form để khai. Khai buổi sáng thì chiều có người từ phường gọi điện thoại. Họ công nhận luôn kết quả test của gia đình. Lực lượng y tế phường khá mỏng, nên việc xử lý như vậy rất tiện lợi.
Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, người dân cũng chia sẻ việc liên lạc với y tế phường rất khó khăn. Đơn cử như trên diễn đàn “Hà Nội – giúp nhau mùa dịch”, có nick tên là Thủy chia sẻ tại phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai) người đến khai báo đông quá nên trạm y tế đóng cửa, bảo về.
Còn trên fanpage “Tôi yêu phường Nghĩa Đô”, thời gian qua không ít tút cũng chia sẻ liên lạc với trạm y tế phường rất khó khăn trong việc khai báo là F0 hoặc đã khỏi xin giấy xác nhận để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau từ BHXH. Ngay sau khi có những lời than phiền thì trên fanpage đã có hướng dẫn về các hình thức liên lạc, khai qua mẫu google form và các số điện thoại liên lạc.
Trên thực tế, Sở Y tế Hà Nội đang triển khai thí điểm ứng dụng: https://chamsocsuckhoe.yte360.com/landingpage. Theo giới thiệu, Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng và triển khai thí điểm Hệ thống theo dõi, săm sóc sức khoẻ F0 tại nhà phục vụ công tác quản lý, theo dõi, chăm sóc và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Ông Tạ Quang Thái, sáng lập viên nền tảng Rada, chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng: “Việc xử lý các tình huống khi có F0 khai báo và các thủ tục hành chính liên quan nằm ở con người tổ chức thực hiện. Từ thực tế là F0 thì hình thức gọi điện thoại đúng là lâu nhưng không bỏ được vì có sự giao tiếp. Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng hình thức gọi điện thoại thì mỗi cuộc gọi chục phút tư vấn thì giỏi lắm cả ngày vài chục ca. Trong khi số ca đang tăng nhanh như hiện nay thì tiện lại thì có thể sử dụng những ứng dụng có sẵn được nhiều người dùng như zalo mở thêm form khai báo”.
Chia sẻ ý kiến người dân đăng trên mạng xã hội về khai báo F0, ông Minh Khôi, chuyên gia công nghệ thông tin cũng cho rằng: Để xây dựng, vận hành một hệ thống ứng dụng mới cần phải tập huấn, tổ chức vận hành thì mất vài tháng. Tốt nhất là nên vận dụng hệ thống ứng dụng sẵn có. Có thể sử dụng ứng dụng PC-COVID vì thực tế cũng có tính năng tự khai báo kết quả xét nghiệm, đồng thời đã có số lượng người cài đặt. Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo sự đồng bộ và giảm bớt áp lực cho người làm với điều kiện phải đồng bộ, thống nhất. Tạo ứng dụng thì dễ nhưng triẻn khai được ứng dụng đó thì rất khó vì liên quan đến con người, khâu tổ chức.
“Còn việc khai theo mẫu goole form cũng là dạng ứng dụng công nghệ thông tin nhưng ở mức sơ đẳng và cát cứ dữ liệu. Mỗii phường, xã là một mẫu, rồi phải cập nhật lên từng cấp. Do đó, nếu áp dụng được nền tảng chung sẽ thống nhất về dữ liệu và sẽ giảm rất nhiều những thủ tục phát sinh sau này để giải quyết quyền lợi cho người lao động”, ông Minh Khôi cho biết.