Mười chủ đề được đề cập trong báo cáo bao gồm: Du lịch; Sức khoẻ; Đồ ăn; Tài chính; Việc làm; Giải trí; Thương mại điện tử; Xe cộ; Sự kiện và tin tức; Nhân vật. Những chủ đề này có sự thay đổi về nội dung và số lượng so với cùng kỳ năm 2022. Sự thay đổi này được công cụ này ghi nhận dựa trên hành vi tìm kiếm thực tiễn của người dùng trên Internet.
Cụ thể, với sự bùng nổ của “hiện tượng” ChatGPT, từ khoá này đã lọt top từ khoá có mức tăng trưởng ấn tượng nhất quý (41 lần). Ngoài ra, các công cụ trí tuệ nhân tạo (MidJourney AI, Notion AI...) và khả năng thay thế nhân sự của các công cụ này trong tương lai cũng gây được nhiều sự chú ý.
Bên cạnh đó, “tuyển dụng” và “tìm việc làm” cũng chứng kiến sự tăng nhẹ về lượng tìm kiếm, với mức tăng lần lượt và 48% và 33%. Các chuyên trang tuyển dụng như “topcv” và “vieclam24h” là các từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trong quý I/2023. Xu hướng này đến từ làn sóng “nghỉ việc” và “cắt giảm nhân sự” (lay-off) hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới.
Dẫn đầu 10 nhóm chủ đề trong quý I/2023 có lượng tìm kiếm cao nhất chính là giải trí. Tỷ trọng của chủ đề này chiếm ưu thế với 56% trên tổng lượng tìm kiếm của Cốc Cốc. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của người dùng cho nhu cầu tìm kiếm niềm vui và tận hưởng cuộc sống.
Bên cạnh đó, cùng sự sôi động của du lịch trong mùa cao điểm đầu tiên của năm, lượng tìm kiếm về các địa điểm du lịch nội địa có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là các điểm đến tại Hà Nội và các địa điểm du lịch tâm linh. Các từ khoá liên quan đến du lịch tâm linh như đền, chùa đều tăng mạnh với mức tăng trưởng dao động từ 54 - 380% so với năm 2022. Nguyên nhân của xu hướng này đến từ tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt cũng như việc các đơn vị du lịch, lữ hành đã xây dựng thêm sản phẩm mới, tăng trải nghiệm cho người dân.
Bên cạnh đó, quý I/2023 cũng là thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, nên lượng tìm kiếm về “chuyến bay Tết” cũng chứng kiến sự tăng trưởng đột biến (gấp 215 lần). Các từ khoá liên quan đến các trang web, ứng dụng đặt chỗ cũng tăng vọt và lọt top từ khoá phổ biến. Điều này thể hiện sự thay đổi trong nhu cầu và hành vi tiêu dùng của người dùng đối với chủ đề du lịch.
Sự thay đổi chủ đề tìm kiếm của người Việt cũng được công cụ tìm kiếmGoogle ghi nhận qua báo cáo Year in Search 2022 dành cho Việt Nam. Báo cáo chia sẻ thông tin chuyên sâu về hành vi tìm kiếm của người dùng Việt Nam giúp các doanh nghiệp bắt kịp với những biến chuyển trong hành vi người tiêu dùng kỹ thuật số và định hướng chiến lược tiếp thị năm 2023. Sau ba năm đối mặt với những thử thách và xáo trộn bởi đại dịch COVID-19, người Việt đang tìm kiếm một cách sống riêng cho mình: Mong muốn được làm chủ bản sắc cá nhân, lối sống và những điều quan trọng đối với họ.
Khoảng 28% người Việt Nam (so với 23% người tiêu dùng ở Đông Nam Á) cho biết họ dự định chi tiêu nhiều hơn cho việc cải thiện bản thân, bao gồm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, thể lực và kiến thức, và 45% (so với 43% người tiêu dùng ở Đông Nam Á) cho biết họ sẽ duy trì mức chi tiêu như hiện nay.
Song song với việc chăm sóc sức khỏe, người Việt đang tìm kiếm những cơ hội mới và cách thức mới để làm nổi bật khả năng và kỹ năng của mình trong mắt nhà tuyển dụng.