Không nằm ngoài xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp xanh an toàn và thân thiện với môi trường. Tất cả hướng đến mục tiêu đưa thực phẩm sạch đến bàn ăn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Phát triển mô hình nông nghiệp xanh
Mô hình trồng nho Hạ đen và nho Mẫu đơn áp dụng quy trình sản xuất theo phương pháp hữu cơ an toàn của chàng trai dân tộc Tày Lục Vân Anh ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái được đưa vào thử nghiệm trồng từ năm 2022 với 4.000 cây nho trên diện tích 0,7 ha, Lục Vân Anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu đặc tính, thường xuyên cắt tỉa quả non, chăm sóc nho theo đúng quy trình kỹ thuật.
Nhờ việc đầu tư hệ thống giàn mái che, cung cấp dinh dưỡng và tưới nước nhỏ giọt tự động, các gốc nho của Lục Vân Anh đang sinh trưởng và phát triển tốt. Lục Vân Anh dự kiến sẽ thu hoạch vụ nho đầu tiên vào tháng 6 tới với sản lượng đạt khoảng 7 tấn/vụ.
Bên cạnh đó, Lục Vân Anh tích cực áp dụng công nghệ thông tin, đưa các hình ảnh về vườn nho để quảng bá trên các trang mạng xã hội, tất cả diện tích nho của Lục Vân Anh đến nay đã được khách đặt hàng trước, chủ yếu là các siêu thị lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng với giá đặt mua từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.
Trước khi trồng nho, Lục Vân Anh cũng đã thành công với mô hình sản xuất rau, củ quả theo quy trình an toàn. Hiện anh đang là Giám đốc Hợp tác xã "Sáu không Farm". Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm lựa chọn thực phẩm đảm bảo sạch và an toàn, hướng đi của Lục Vân Anh đang phù hợp với xu thế. Sản lượng trung bình của Hợp tác xã "Sáu không Farm" hiện duy trì sản lượng từ 70 - 80 tấn rau, củ, quả/năm với tổng doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, hợp tác xã thu về khoảng 500 triệu đồng/năm.
Theo Lục Vân Anh, để đảm bảo tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và đạt chất lượng dinh dưỡng cao, anh đã sử dụng các loại phân hữu cơ hoai mục và ủ đúng theo thời gian quy định để bón cho cây trồng. Sản phẩm trồng ra mặc dù có giá thành bán hơi cao so với thị trường nhưng chắc chắn được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn để bảo vệ sức khỏe.
Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng tốt, anh Hà Mạnh Hùng - Chủ cơ sở sản xuất su su thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã thuê 3,8 ha diện tích đất ruộng của 26 hộ dân trong thôn để trồng su su. Với mô hình trồng su su áp dụng quy trình sản xuất 5 không: Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, cây su su ở đây rất phát triển, mẫu mã đẹp, vị ngon, ngọt đặc trưng.
Vườn su su của anh Hùng cho thu hoạch mỗi vụ khoảng 200 tấn, được cung cấp chủ yếu cho nhà bếp của các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận. Với giá bình quân 4.000 đồng – 5.000 đồng/kg đã mang về cho gia đình anh 400 triệu đồng/vụ. Nhận thấy hiệu quả từ trồng su su hữu cơ mang lại, cơ sở của anh Hùng đang làm quy trình để thành lập Hợp tác xã và công nhận sản phẩm VietGAP đối với su su trong năm nay.
Anh Hùng cho biết, trồng su su lúc xuống giống thì chủ yếu sử dụng phân NPK để bón lót. Sau khi cây phát triển lên tầm 70-80cm thì sử dụng toàn bộ bằng chế phẩm sinh học, khi cây chớm leo đến giàn mới sử dụng đến phân chuồng, phân hữu cơ để đảm bảo quy trình trồng an toàn. Trồng su su tương đối dễ, sâu bệnh ít, chủ yếu là ruồi vàng châm chích quả chỉ cần dùng bẫy dính hoặc xua đuổi.
Hướng đến quy trình chuẩn
Với trên 23.000 ha diện tích mặt nước hồ Thác Bà, nguồn nước tự nhiên sạch, lượng thủy sinh đa dạng, dồi dào là điều kiện tốt để người dân huyện Yên Bình phát triển nghề nuôi thủy sản sạch. Nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, tạo nguồn thực phẩm sạch, nâng cao giá trị kinh tế, các doanh nghiệp cũng như cá hộ dân đã tập trung nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn VietGAP, hữu cơ; trong đó, đề cao yếu tố sinh học, an toàn với cá, bảo vệ môi trường.
Anh Đào Văn Minh - Kỹ thuật viên Hợp tác xã Thủy sản Hoàng Kim (huyện Yên Bình) cho biết, nước hồ Thác Bà rất sạch, đây là yếu tố đầu tiên để nuôi được cá sạch. Về thức ăn cho cá, hợp tác xã sử dụng các loại cám chất lượng tốt, có nguồn gốc từ châu Âu như De Heus, Cargill, Mavin. Cá ở hồ Thác Bà ít bệnh tật vì được nuôi trong nguồn nước sạch nên để phòng trừ bệnh cho cá chủ yếu là dùng tỏi để ăn phòng.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh hiện có 47 cơ sở sản xuất trồng trọt được chứng nhận VietGAP, Rainforest, nông nghiệp hữu cơ, vệ sinh an toàn thực phẩm với diện tích trên 10.000 ha (bao gồm lúa, chè, cây ăn quả, rau, quế…).
Các cơ sở và diện tích được chứng nhận, sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, quản lý chất lượng tiên tiến đã giảm thiểu được hóa chất bảo vệ thực vật, đặc biệt là đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, sản xuất, chế biến ra các thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh định hướng phát triển nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Anh Quyền - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái cho biết, các cán bộ của đơn vị thường xuyên đến các hộ gia đình chăn nuôi hoặc trồng trọt có diện tích, quy mô chuồng trại lớn và vừa để tập trung tuyên truyền các quy trình sản xuất, đặc biệt là quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đảm bảo không phải sử dụng đến thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh cho vật nuôi để hướng tới sản xuất các sản phẩm an toàn, sạch theo tiêu chuẩn VietGap.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái Nguyễn Đức Điển, Yên Bái là tỉnh miền núi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng còn điều kiện tự nhiên khá lớn, chịu tác động của ô nhiễm môi trường rất thấp, nguồn nước, đất, không khí đều tốt.
Ngoài ra, mức độ sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa phải cơ giới hóa quá nhiều, chưa ứng dụng thâm canh quá cao. Đó chính là điều kiện hết sức cơ bản để thúc đẩy sản xuất sạch, nông nghiệp xanh, giúp các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Đức Điển cho biết, cả trước mắt cũng như lâu dài ngành nông nghiệp chú trọng vào việc chọn tạo, giới thiệu các loại giống, nhất là giống cây trồng có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn lọc, nhân giống và có khả năng chịu được các loại sâu, bệnh hại đã có hoặc mới phát sinh. Từ đó, giảm thiểu việc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ, sử dụng tại chỗ, giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học để cho sức khỏe cây trồng tốt hơn, tăng khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh. Cùng với đó, gắn với các giải pháp kỹ thuật, các tiêu chuẩn sản xuất và thực hành nông nghiệp tốt để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững.