Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: Ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ; Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng xác định: khuyến kích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; đẩy mạnh áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ, khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ.
Để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng cần tăng cường tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội nhất là cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp về vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện môi trường sinh thái vì sức khỏe cộng đồng. Từ đó, thay đổi hành vi và có thói quen sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sử dụng sản phẩm sạch. Thực hiện từng bước vững chắc, xây dựng mô hình điểm, nhân rộng và ban hành quy trình, quy phạm để người tiêu dùng người sản xuất cảm nhận, cân đo đong đếm được nông nghiệp hữu cơ hơn hẳn sản xuất thông thường.
Với chức năng được giao, theo ông Đỗ Văn Chiến, các bộ, ngành cần tăng cường hơn nữa về quản lý nông nghiệp, tạo cơ chế chính sách hơn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các tổ chức, đơn vị sản xuất ra các sản phẩm không an toàn, mà sử dụng chất độc hại, chất cấm trong sản xuất; tạo dư luận lên án mạnh mẽ, tẩy chay các sản phẩm không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cần phát huy những việc làm tốt để thực sự là mái nhà chung, địa chỉ tin cậy của hội viên và những người sản xuất nông nghiệp. Các cơ quan, đơn vị cần lan tỏa tinh thần sản xuất nông nghiệp hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng, vì tính bền vững của môi trường sinh thái và đa đạng sinh học với những cách làm sáng tạo, khoa học, bền bỉ.
Suốt thời gian 10 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã vận động hàng nghìn hội viên, có nhiều văn bản tư vấn, đề xuất cơ chế chính sách với các bộ, ngành và kết quả đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ cụ thể hóa bằng chính sách cho phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.
Hiện tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khoảng 174.351 ha, tăng 47% so với năm 2016. Có 17.174 đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 555 đơn vị chế biến và 60 doanh nghiệp xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 335 triệu USD/năm, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 – 2016 với sản phẩm đa dạng như: chè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị...
Là một doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ông Vijay Kumar Pandey – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH cho biết, TH kiên định đồng hành trên con đường phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam vì hạnh phúc đích thực và sự phát triển bền vững. Đó là một con đường dài và nhiều gian truân nhưng cũng thật vinh quang, kiêu hãnh khi nghĩ tới những di sản đáng tự hào mà chúng ta có thể để lại cho thế hệ mai sau thông qua những phương thức sản xuất hữu cơ bền vững ngày hôm nay.
Chia sẻ bên lề buổi lễ, ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước. Phát triển cây chè hưu cơ là xu thế tất yếu, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên tập chung phát triển theo hướng hữu cơ để đảm bảo chất lượng và thương hiệu chè Thái Nguyên. Năm 2017, Thái Nguyên xây dựng 6 mô hình và vừa qua 6 mô hình đã đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Tại buổi lễ, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã trao cúp vàng, cúp bạc và bằng khen cho các điển hình tiên tiến phát triển nông nghiệp hữu cơ toàn quốc.