Xúc tiến đầu tư vào Bắc Trung bộ

Đánh thức và phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, đồng thời phải ra sức tăng cường liên kết vùng giữa 6 tỉnh, thành phố thuộc khu vực này (Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá) là thông điệp chính của Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực Bắc Trung bộ tổ chức tại thành phố Vinh, Nghệ An, ngày 17/10.

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phối hợp với 6 tỉnh Bắc Trung bộ chủ trì, có sự tham dự của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ; lãnh đạo nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp; các địa phương khu vực Bắc Trung bộ; Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; đại diện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; các doanh nghiệp ngoài nước.

Sáu tỉnh Bắc Trung bộ có nhiều nét tương đồng về địa lý, về điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống lịch sử - văn hoá (khu vực này chiếm 15,55% diện tích cả nước và 12,3% số dân cả nước). Trong những năm qua, Bắc Trung bộ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (khoảng 10%), đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Bắc Trung bộ là khu vực còn nghèo, thực trạng thu hút đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến tháng 9/2011, số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn Bắc Trung Bộ là 189 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 19,1 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Hiện nay đã có 27 đối tác ngoài nước đầu tư vào khu vực này, trong đó đối tác đầu tư nhiều nhất là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Xinhgapo; các lĩnh vực tập trung đầu tư là công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch và dịch vụ.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ KHĐT và các địa phương Bắc Trung bộ nêu bật nhiều tiềm năng lợi thế của khu vực, như về nguồn lao động, về giao thông, về khoảng sản, lâm nghiệp, đặc biệt là về kinh tế biển, du lịch và dịch vụ; tại khu vực này đã và đang phát triền nhiều khu kinh tế (KKT) quan trọng ven biển như Nghi Sơn (Thanh Hoá), KKT Đông Nam (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hoà La (Quảng Bình), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế)... Một số KKT hành lang Đông Tây cũng được thành lập, như các KKT cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), góp phần thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào, thúc đẩy phát triển kinh tế đi kèm với bảo đảm an ninh, quốc phòng.


KKT Chân Mây, Thừa Thiên- Huế.


Tuy nhiên, các địa phương khu vực Bắc Trung bộ rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Chính phủ, của các bộ, ngành trung ương, của cộng đồng doanh nghiệp, của các tổ chức quốc tế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư vào khu vực, hàng loạt phương thức và biện pháp cần được ưu tiên phối hợp triển khai thực hiện giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương trong khu vực với nhau.

Đó là thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với vùng Bắc Trung bộ để kết nối hạ tầng giao thông trong khu vực (xây dựng hệ thống đường bộ theo trục dọc, trục ngang; kết nối Bắc Trung Bộ với cả nước và thế giới bằng đường không; phát triển vận tải đường sông; xây dựng, nâng cấp các cảng biển; cải tạo, nâng cấp đường sắt...); quy hoạch mạng lưới đào tạo và dạy nghề nội vùng, hợp tác liên vùng và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực; tập trung kêu gọi đầu tư để lấp đầy các KKT, khu công nghiệp tránh lấy đất nông nghiệp; kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hoá vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, du lịch; thu hút đầu tư phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, đầu tư xây dựng chuỗi trung tâm thương mại hiện đại và quy mô lớn; thu hút đầu tư nhiều hơn nữa vào khu vực trồng rừng và chế biến lâm sản; kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực đánh bắt hải sản tại các ngư trường xa bờ và chế biến thuỷ hải sản; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển mạng lưới đô thị theo hướng hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển tiếp theo.

Tại Hội nghị, bà Vích-to-ri-a Cơ-oa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam; ông Ta-mô-i-u-ki Ki-mu-ra, Giám đốc ADB tại Việt Nam; và đại diện các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ thống nhất nhận định: liên kết vùng là nhu cầu tất yếu của sự phát triển bền vững; tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng của 6 tỉnh, thành Bắc Trung bộ là tiềm năng, thế mạnh chung, những địa phương này phải liên kết, hợp tác với nhau ngày càng chặt chẽ mới có thể phát huy, nhân lên gấp bội những thế mạnh đó và tạo ra được sự chuyển biến sâu sắc trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. 



THẢO TÙNG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN