Đặc biệt, suốt trong một quá trình dài vừa qua, doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã tích cực, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước tăng trưởng cao. Tuy nhiên, để xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, ngành công thương vẫn đang nỗ lực phấn đấu và áp dụng nhiều giải pháp tổng thể để chèo lái con thuyền về đích đúng hạn.
Điểm sáng là khu vực trong nước
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 9 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 27,1 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 9,9 tỷ USD, giảm 3,7%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,2 tỷ USD, giảm 1,4%.
So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 tăng 16,3%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 40,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,8%.
Tuy nhiên, trong quý III/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 79,7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, tăng 33,8% so với quý II năm nay và tăng 26,0% so với quý I.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, trong quý III có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 14,7 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước; điện tử máy tính và linh kiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 26,4%; hàng dệt may đạt 8,9 tỷ USD, giảm 6,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,8 tỷ USD, tăng 62,8%.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong 9 tháng đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 71,4 tỷ USD, tăng mạnh 19,5%, chiếm gần 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,7%.
Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, 2019, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 với mức tăng 19,5%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm giảm 2,9%.
Không dừng lại ở đó, trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%. Đặc biệt, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Việc tham gia các FTA nhất là Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và đi vào thực thi từ ngày 1/8 với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác cũng như tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Chỉ tính riêng tháng 8, khi Hiệp định EVFTA thực thi được một tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7. Tiếp đến tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này duy trì đà tăng mạnh, khi tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Mặt khác, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường này. Chẳng hạn như từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7 và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài mặt hàng thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Cùng với đó, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.
Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, ngoài thị trường EU, trong 9 tháng năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,73 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9 đạt 24 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,6 tỷ USD, tăng 5,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,4 tỷ USD, tăng 5,9%.
So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9 tăng 11,6%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 22,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,3%.
Trong quý III/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019; tăng 18,5% so với quý II năm nay và tăng 15,2% so với quý I. Điều này cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi và nhu cầu nhập khẩu có xu hướng tăng lên.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt gần 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,34 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp theo lần lượt là các thị trường Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản ,EU, Hoa Kỳ…
Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, tháng 9 xuất siêu đạt 3,09 tỷ USD và tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,58 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô xuất siêu 27,51 tỷ USD.
Theo nhận định từ các chuyên gia, trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4,0% và duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 9 tháng qua của Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn.
Tận dụng cơ hội
Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…
Do đó, để duy trì những kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc, tổng hợp Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, triển khai các Kế hoạch này.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhằm nỗ lực chạm mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm nay, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết FTA với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; đồng thời, tiếp tục triển khai hình thức kết nối giao thương trực tuyến và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến.
Hơn nữa, Bộ Công Thương còn thiết lập cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các Tham tán thương mại, các Vụ Thị trường nước ngoài, Cục Xuất Nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước trên các ứng dụng Internet.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chia sẻ quyền truy cập hệ thống cho hệ thống các Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng để tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư thúc đẩy xuất khẩu
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm, xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, mới đây Cục Xuất Nhập khẩu đã phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xây dựng xong phần mềm để triển khai thực hiện dịch vụ công cấp độ 3 đối với 24 thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, thời gian, số lượng hồ sơ phải nộp cũng như dễ dàng tra cứu thông tin để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.