Nhiều thị trường tiềm năng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nên hướng đến sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến. Còn với cách chăn nuôi không có quy hoạch như hiện nay thì sau các cuộc giải cứu lợn, ngành Chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng.
Đề cập đến tính khả thi của việc xuất khẩu thịt lợn trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Quý, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống chăn nuôi miền Bắc cho rằng: Đây là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, con đường này còn nhiều gian nan khi giá vật tư đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống đang ở mức cao, sức sinh sản lợn nái thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Để đẩy nhanh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp cần giải quyết bài toán tổ chức lại sản xuất chăn nuôi trong nước, kiểm soát tốt dịch bệnh, lúc đó sản phẩm của chúng ta mới đủ sức cạnh tranh.
Tiềm năng xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam rất lớn nếu xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh. Ảnh: TTXVN |
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, HTX chăn nuôi Hòa Mỹ - Vạn Thái - Ứng Hòa cho hay, với giá lợn hơi ở mức 26.000 đồng/kg xuất tại trại, HTX vẫn lỗ nặng. Trong khó khăn, HTX phải tự vận động, tìm đường xuất khẩu sang Lào và Campuchia. HTX chọn xuất khẩu dưới hình thức lợn choai, kèm thức ăn chăn nuôi, lo vật tư… Với cách này, mặc dù HTX vẫn bán được giá 42.000 đồng/kg, thoát lỗ, nhưng cũng mới chỉ mở được 20% lượng lợn tồn đọng, còn 80% vẫn phải nhờ tới thị trường trong nước.
Nói về tiềm năng của thịt lợn Việt Nam xuất khẩu, ông Lee Jong Beom, Giám đốc điều hành tập đoàn Daewon Machinery Hàn Quốc, chuyên sản xuất thiết bị giết mổ, chế biến thịt tự động hoá cho biết, thịt lợn được tiêu dùng nhiều nhất ở Hàn Quốc, nhưng hiện nay số lượng lợn chăn nuôi và sản xuất chế biến tại Hàn Quốc giảm mạnh do liên quan tới các vấn đề về môi trường, điều kiện sản xuất, dịch bệnh... Song, việc nhập khẩu thịt lợn của Hàn Quốc đã tăng từ năm 2011.
Hàn Quốc đang nhập khẩu thịt lợn từ 10 quốc gia như: Mỹ, Đức, Tây Ban Nha… với giá trị nhập khẩu lên tới 5,8 tỷ USD (năm 2016). Tuy nhiên, người Hàn Quốc rất chú trọng tới vấn đề an toàn thực phẩm, cũng như chất lượng thịt, giá cả phải chăng của hàng nhập khẩu. Do vậy, thịt lợn của Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhật Bản cũng là thị trường tiềm năng đối với thịt lợn Việt Nam, mỗi năm nước này đang nhập gần 200.000 tấn.
Còn theo một doanh nghiệp chăn nuôi tại Đồng Nai, thị trường chăn nuôi của Việt Nam phải tìm hướng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường gần như: Philippin, Myanmar… Riêng Philippin, đất nước có 95 triệu dân, nhưng đàn lợn của họ cũng chỉ có 12 triệu con, nên năm nào cũng phải nhập khẩu thịt lợn bổ sung. Việt Nam hiện chưa có lò mổ hiện đại cấp đông đúng tiêu chuẩn, thì có thể bán lợn hơi, vận chuyển đường thủy qua các cảng ở miền Trung để giải quyết số lượng lợn dư thừa.
Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cho biết, sau thành công trong liên kết chuỗi xuất khẩu thịt gà đi Nhật Bản hồi đầu tháng 9/2017, hiện De Heus và các đối tác đang lên kế hoạch xuất khẩu thịt lợn. Không có lý do gì Việt Nam đã xuất khẩu được thịt gà vào Nhật Bản, mà thịt lợn lại không thể xuất khẩu được.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thịt lợn để giải phóng lượng thịt lợn đang dư thừa. Tuy nhiên, đây là một bài toán khó vì sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của đối tác đặt ra như: An toàn dịch bệnh, quy trình giết mổ, chất lượng thịt…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, cơ hội xuất khẩu chăn nuôi của Việt Nam đã tới. Việt Nam hiện đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm giá thành, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. Những công việc này đòi hỏi ngành chăn nuôi phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm.
Theo Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp phải có đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Đối với xuất khẩu động vật sống, các nước nhập khẩu có yêu cầu rất khắt khe về điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh, họ có rất nhiều rào cản kỹ thuật, nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng của họ.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cho rằng, Bộ NN&PTNT cần giúp doanh nghiệp xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh. Nếu hoàn thành được công việc này thì doanh nghiệp sẽ tự tin hơn khi xuất khẩu thịt lợn.
Ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Biển Đông, chuyên kinh chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt đề nghị, để thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn Việt Nam đi các nước, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường cấp nhà nước cho các sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Thống nhất tập hợp thông tin quy định về quản lý kỹ thuật, thương mại với các cơ quan quản lý nước nhập khẩu. Sau đó, thông tin phổ biến rộng rãi tới các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên trao đổi với nước nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam để tháo gỡ kịp thời những tồn tại trong việc xuất khẩu. Đồng thời, xúc tiến thương mại ở cấp Bộ, cấp doanh nghiệp sang các nước để quảng bá sản phẩm thịt của Việt Nam. Tăng cường vai trò của cơ quan đại diện thương mại trong các hoạt động giao thương. Xây dựng bộ phận hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu về kỹ thuật và các thủ tục hành chính như Tổ công tác của Cục Thú y hỗ trợ xuất khẩu thịt gà như thời gian qua.
Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu”. Mục tiêu cụ thể đối với thịt lợn, dự kiến đến hết năm 2020 xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt lợn chế biến chín xuất sang Đông Nam Á, châu Á, châu Âu….