Cụ thể, giá trị xuất khẩu nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu USD, giảm 7,1%.
Ngành nông nghiệp tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có kim ngạch trên trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước. Ngành tích cực tháo gỡ các rào cản thương mại, nhờ đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá.
Cụ thể, ngành đã đẩy mạnh thực hiện các đề án như: thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản. Chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến giá cả và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước, đề xuất kịp thời các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản theo mùa vụ, xây dựng báo cáo Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ và Tổ điều hành thị trường trong nước.
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm duy trì và mở rộng, xuất khẩu tăng cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách về xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu; ứng phó linh hoạt với tác động của dịch bệnh COVID-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Bộ phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản - Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông.
Các đơn vị chuyên môn chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu nông sản; thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới; nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; hướng dẫn thực hiện quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc...