Tại Hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Ngành ngân hàng ưu tiên tập trung đủ vốn tín dụng phục vụ hoạt động thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Vừa qua, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn.
Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN, tính đến cuối tháng 11/2022, kết quả hoạt động ngân hàng tại khu vực ĐBSCL đạt các chỉ tiêu tích cực. Huy động vốn đạt 718.905 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021; dư nợ đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối năm 2021. Một số mặt hàng nông sản chủ lực của vùng có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng.
Cụ thể: Dư nợ ngành thủy sản đạt 112.455 tỷ đồng, tăng 16% và chiếm gần 54% dư nợ thủy sản toàn quốc. Dư nợ ngành lúa gạo đạt 89.388 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Dư nợ ngành rau quả đạt 19.441 tỷ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc.
“Các đơn vị trong ngành Ngân hàng cần tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý; chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả...để đánh giá nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng. NHNN chi nhánh các tỉnh đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết. Thống đốc cũng lưu ý các ngân hàng đã tuyên bố các gói tín dụng ưu tiên phải trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ đúng như cam kết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank, VietinBank cam kết từ nay đến Tết nguyên đán sẽ giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL.
“Năm 2022, Agribank đã ưu tiên giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho khu vực này là 11,6%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23.000 tỷ đồng, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của toàn hệ thống. Đến nay, Agribank đã đầu tư tín dụng cho khu vực ĐBSCL hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) là 180.000 tỷ đồng với 670.000 khách hàng, chiếm 83% dư nợ cho vay của khu vực. Đáng chú ý, mặc dù thị phần tín dụng của Agribank tại khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 22,6% nhưng thị phần tín dụng đối với lĩnh vực NNNT chiếm tới 40%”, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Agribank cho biết.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu giải ngân đối với lĩnh vực NNNT và các nhu cầu cấp thiết của các chi nhánh Agribank khu vực ĐBSCL là 1.600 tỷ đồng. Agribank đã thực hiện cân đối chỉ tiêu tín dụng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín dụng cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc lĩnh vực NNNT.
Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Vietcombank (VCB) cho biết: Từ đầu năm 2022 cho đến nay, VCB đã được NHNN giao tốc độ tăng trưởng tín dụng là 18,53% tương đương với mức tăng dư nợ gần 200.000 tỷ đồng. VCB có 16 chi nhánh hoạt động tại khu vực ĐBSCL với mức tăng trưởng dư nợ trên 14%. Kết quả này thể hiện cam kết của VCB trong việc cung ứng đủ vốn tín dụng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn ĐSBCL cũng như trên cả nước. Tính đến 30/11, VCB đã hỗ trợ cho các khách hàng tại khu vực ĐBSCL với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất gần 300 tỷ đồng.