Do ảnh hưởng của hạn, mặn nên vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 ở huyện Thạnh Phú có 25 ha lúa giảm trên 70% năng suất. Tại huyện Ba Tri có khoảng 170 ha bị ảnh hưởng hạn, mặn (giảm 15% - 20% năng suất), tập trung ở các xã An Bình Tây, Tân Xuân, Mỹ Nhơn và Mỹ Hòa. Các huyện còn lại chưa ghi nhận có diện tích lúa bị ảnh hưởng hạn, mặn.
Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân nên làm hai vụ lúa/năm: Hè Thu muộn và Đông Xuân sớm (kết thúc khoảng tháng 2.2019) nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn có rất nhiều hộ dân "xé rào" làm ba vụ.
Ông Nguyễn Văn Tùng, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri cho biết, ngay từ đầu vụ chính quyền địa phương đã có khuyến cáo người dân không được làm vụ lúa này nhưng tôi thấy bỏ đất trống thì tiếc nên làm. Đầu tháng 1/2019, nước trong nội đồng bị mặn kéo dài đến tháng 2 đúng lúc lúa làm đòng nên vụ này năng suất lúa giảm, ước khoảng 4,8 tấn/ha. So với vụ Đông Xuân những năm huyện Ba Tri chưa bị xâm nhập mặn thì giảm gần 1 tấn/ha.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, trên địa bàn huyện đang bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2018 - 2019, năng suất lúa ước đạt 5 tấn/ha. Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên làm vụ ba (vụ Đông Xuân) nhưng vì năm trước không bị hạn, mặn nên năm nay người dân vẫn làm. Mặc dù, diện tích lúa của các xã bị xâm nhập mặn nhưng không cao (khoảng 1‰ trở lại) và nhờ huyện có hệ thống đê bao nên chủ động điều tiết được nước ra – vào, nhờ vậy mà lúa không bị ảnh hưởng nặng.
Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, sở dĩ diện tích lúa của huyện Thạnh Phú bị ảnh hưởng nặng là do địa phương này chưa có hệ thống đê bao khép kín nên nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Diện tích xuống giống vụ Đông Xuân 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh Bến Tre khoảng 13.070 ha, tập trung ở các huyện: Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri và Thạnh Phú.