Theo VEC, sau 5 năm áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm trên cao tốc, số phương tiện vi phạm tuy có giảm về số lượng nhưng lại xuất hiện thêm các hành vi vi phạm mới cũng như một số phương tiện vẫn tiếp tục tái phạm nhiều lần.
Để đảm bảo tăng cường an ninh trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, VEC thực hiện việc từ chối phục vụ các phương tiện vi phạm.
Cụ thể, đối với hành vi dừng, đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc, nếu vi phạm sẽ bị từ chối phục vụ từ 3 ngày đến 60 ngày, tuỳ theo số lần vi phạm.
Đối với hành vi dừng, đỗ tại các nhà hàng, quán ăn, các điểm dịch vụ mở trái phép hai bên hành lang đường cao tốc; đổ chất thải, vứt rác; chở quá tải trọng cho phép, sang tải trên đường cao tốc; cố tình dừng, đỗ tại làn cân, trạm thu phí gây cản trở giao thông; gian lận cước phí sẽ bị từ chối phục vụ từ 7 ngày đến 30 ngày hoặc có thể từ chối phục vụ vĩnh viễn nếu tái phạm lần thứ 4.
Ngoài việc bị áp dụng thời gian từ chối như trên, chủ phương tiện phải thanh toán đầy đủ tiền cước phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc.
Đối với các hành vi gây rối trật tự; đe dọa, hành hung nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc, cố tình làm hư hỏng tài sản đường cao tốc, đi ngược chiều trên đường cao tốc, sử dụng biển kiểm soát giả, thay đổi nhận dạng xe sẽ bị từ chối phục vụ từ 30 ngày đến 60 ngày hoặc từ chối phục vụ vĩnh viễn nếu tái phạm lần 4.
Đối với những trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng, VEC sẽ áp dụng việc từ chối phục vụ vĩnh viễn ngay từ lần vi phạm thứ nhất và chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng đề nghị điều tra, xử lý vi phạm.
Việc tiếp tục phục vụ trở lại các phương tiện đã vi phạm chỉ được thực hiện khi các chủ phương tiện cung cấp cho Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VEC M) bản cam kết không tái diễn việc vi phạm. .
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam hiện là Chủ đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc; trong đó, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 4 dự án với tổng chiều dài gần 500 km, bằng 65% tổng chiều dài đường bộ cao tốc quốc gia.