Với năng suất thu hoạch bình quân từ 15 tấn đến 17 tấn/ha, hàng năm, huyện Tân Phú Đông đạt sản lượng sả thương phẩm gần 60.000 tấn cung ứng nhu cầu thị trường trong ngoài tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, đặc thù địa phương là huyện cù lao nhiễm mặn tiếp giáp biển Đông, điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt. Mỗi năm có từ 4 - 6 tháng bị nhiễm mặn. Để khai thác tốt tiềm năng đất đai nơi đây, thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông dân ổn định sản xuất và đời sống, huyện chủ trương chuyển đổi từ trồng lúa một vụ bấp bênh sang trồng chuyên canh sả.
Ưu điểm cây sả là thích nghi với môi trường thổ nhưỡng vùng đất cù lao nhiễm mặn, chịu được hạn hán, dễ trồng, cho năng suất cao, chi phí thấp trong khi lợi nhuận cao. Hơn nữa, sả vừa là cây gia vị vừa là cây dược liệu, có thể chế biến được nhiều sản phẩm đắc dụng cho sức khỏe, đầu ra thuận lợi.
Thời gian qua, giá sả luôn ổn định, dao động ở mức bình quân từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, có lúc hút hàng giá vọt lên 8.000 – 9.000 đồng/kg, người trồng sả thu lợi nhuận khá, góp phần ổn định đời sống kinh tế gia đình. Ước tính, mỗi ha đất trồng sả sau khi trừ chi phí, nông dân còn thu lợi nhuận bình quân từ 70 - 100 triệu đồng.
Nông dân Nguyễn Văn Sum, cư ngụ tại ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh chuyển đổi 7.000 m2 đất trồng lúa năng suất thấp sang chuyên canh sả cho biết, sả mỗi năm cho thu hoạch bình quân 2 vụ. Với 7.000 m2 đất trồng sả, mỗi năm, trừ chi phí, ông còn thu lãi ròng từ 60 – 70 triệu đồng.
Ông Sum cho biết, nhờ cây sả, gia đình vươn lên, vượt khó giảm nghèo, có cuộc sống ổn định. Bản thân ông nhiều năm liền được vinh danh là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện cù lao Tân Phú Đông.
Hàng năm, ngành nông nghiệp huyện chủ động phối hợp với các xã vùng chuyên canh đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ trong thâm canh, hướng dẫn nông dân trồng sả theo vùng quy hoạch và trồng sả theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng chất lượng nông sản hàng hóa.
Đồng thời, áp dụng những mô hình sản xuất hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu. Diện tích đất ở những khu vực gò cao, thường xuyên thiếu nước tưới thì sản xuất 2 vụ sả/năm; khu vực có nguồn nước tương đối thuận lợi thì mỗi năm sản xuất vụ sả và 1 vụ màu xen canh như gừng, ớt hoặc các loại rau đậu khác hoặc trồng sả chuyên canh lồng ghép trong mô hình kinh tế gia đình VAC.
Mặt khác, huyện Tân Phú Đông chú trọng phát triển kinh tế hợp tác trên lĩnh vực trồng sả, giải quyết đầu ra, nông dân có lợi. Toàn huyện hiện có 1 hợp tác xã chuyên canh sả và 3 tổ hợp tác trồng sả ở các xã Phú Thạnh và Phú Đông, góp phần cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cũng như đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho vùng chuyên canh. Mạng lưới tiêu thụ phát triển với hàng trăm cơ sở thu mua sả lớn nhỏ thu mua sả thương phẩm đưa đi tiêu thụ khắp các nơi trong ngoài tỉnh.
Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương, Tân Phú Đông đã xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Sả Tân Phú Đông" thành công. Kết quả, tháng 4/2019 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Sả Tân Phú Đông" cho Hội Làm vườn huyện Tân Phú Đông.
Theo lãnh đạo huyện Tân Phú Đông, đây là bước đi cần thiết khẳng định vị thế, sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, giúp phát triển bền vững vùng trồng sả tại tỉnh Tiền Giang" giai đoạn 2020 – 2025 và các năm tiếp theo.