Thị trường nội địa cũng không còn là “sân chơi” ưu thế của riêng doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế này đặt ra tính cấp thiết cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh cũng như đa dạng thị trường cho hàng Việt.
Bài 1: Giải pháp “vượt” rào cản phòng vệ thương mại
Thị trường toàn cầu ngày càng rộng mở cho tất cả các nước, không phân biệt thị trường mục tiêu là trong nước hay xuất khẩu. Điều này khiến doanh nghiệp Việt có ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Đây không chỉ là mối quan tâm của chính quyền thành phố mà còn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cơ hội từ giá trị thương hiệu
Những năm gần đây, thương mại tự do mang lại cơ hội cho hàng hóa các nước tiếp cận thị trường toàn cầu, vượt qua cả biên giới địa lý. Doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường toàn cầu đòi hỏi những quy tắc xuất xứ hàng hóa ngày càng khắt khe và được kiểm soát bởi rào cản kỹ thuật phòng vệ thương mại. Do đó, hầu hết doanh nghiệp và nhiều quốc gia đưa ra những chiến lược bài bản để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa.
Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nhận thức thương hiệu không đơn thuần là thông điệp sản phẩm, hình ảnh của doanh nghiệp mà đại diện cho cả quốc gia, địa phương trong hội nhập. Muốn phát triển kinh tế bền vững, năng lực cạnh tranh cao thì phải có những thương hiệu uy tín. TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, doanh nghiệp của thành phố.
“Thương hiệu là yếu tố góp phần duy trì và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Từ đó, giúp nâng cao văn minh thương mại và hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Khi xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp không chỉ tạo ra nhiều lợi thế về thị trường mà còn về phân phối sản phẩm, phát triển kinh doanh, giá trị khối tài sản vô hình…” - ông Phạm Thành Kiên nhấn mạnh.
Vừa là đích đến, vừa là công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp, thương hiệu góp phần tạo dựng và củng cố hình ảnh địa phương, quốc gia. Nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, New Zealand, Nhật Bản, Việt Nam... đang lựa chọn cách thức xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua sản phẩm song hành cùng với phát triển thương hiệu điểm đến du lịch. Với mỗi quốc gia, địa phương, việc lựa chọn sản phẩm đặc trưng có tính đại diện và thế mạnh để đầu tư phát triển thương hiệu đang là một xu thế với cách tiếp cận đa dạng từ góc độ tư duy chiến lược.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, việc lựa chọn một mô hình hợp lý, có tính khả thi để xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm địa phương sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, xuất phát từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như năng lực triển khai của từng địa phương. Tại Việt Nam, bên cạnh Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) hay Thương hiệu thủ công mỹ nghệ (Vietcraft Exellence), Thương hiệu thực phẩm Việt Nam (Food of Vietnam), Thương hiệu gạo Việt Nam (Vietnam Rice), Thương hiệu ẩm thực Huế... cũng bắt đầu được thực hiện với sự đa dạng trong cách thức tiến hành.
Trên thực tế, khách hàng có cả trăm lý do khác nhau để lựa chọn sản phẩm, nhưng chắc chắn họ phải có nhiều thông tin tin cậy về nó. Ngoài việc truyền thông về sản phẩm và thương hiệu, doanh nghiệp cần đảm bảo tính xác thực đối với thông tin, sản phẩm; trong đó, doanh nghiệp chú trọng sự xác thực thông qua trải nghiệm khách hàng được xem là quan trọng nhất - ông Nguyễn Quốc Thịnh phân tích.
Một số chuyên gia cho rằng, việc tham gia những chương trình truy xuất nguồn gốc, tổ chức tập thể, xây dựng thương hiệu tập thể, thương hiệu chứng nhận và những xác thực của các tổ chức độc lập thường có giá trị cả về pháp lý bên cạnh những giá trị cảm nhận từ phía khách hàng. Đó cũng chính là lý do ngày nay, rất nhiều tổ chức và chính quyền đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua xây dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu tập thể, thương hiệu chứng nhận, hoạt động truy xuất, chứng thực cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Chiến lược cho sản phẩm địa phương
Liên quan đến định vị phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, tạo sự lan tỏa cho TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho hay, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh phải nằm trong tổng thể chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh nằm trong top 10 thành phố năng động nhất toàn cầu năm 2019 do Công ty TNHH Jones Lang Lasalle (Việt Nam) công bố.
"Trên nền tảng này, TP Hồ Chí Minh cần xác định lĩnh vực, sản phẩm chủ lực dựa trên những ngành nghề có lợi thế cạnh tranh như: du lịch, ẩm thực, giải trí; đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính… Đơn cử, thành phố có thể xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, doanh nghiệp thông qua các bước đánh giá hiện trạng, xây dựng tiêu chí lựa chọn, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý…", Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm thực tế triển khai chiến lược thương hiệu, một số doanh nghiệp chia sẻ, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương, ngoài nỗ lực của từng doanh nghiệp còn có nhiều mô hình khác nhau với sự chủ động tham gia tích cực từ chính quyền đến tổ chức tập thể. Đặc biệt, doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu đều có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu đều có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu.
Bà Phạm Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Linh Biotech dẫn chứng, cùng với việc chứng tỏ chất lượng, uy tín thương hiệu, sản phẩm của Hoàng Linh Biotech được xét chọn là sản phẩm tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh. Điều này giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu, mang về những hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, khi tham gia bất kỳ chương trình xúc tiến, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước thì gian hàng của Hoàng Linh Biotech luôn thu hút được đông đảo khách tham quan, cũng như trải nghiệm sản phẩm.
Tương tự, bà Lương Hà - chuyên gia tư vấn thương hiệu địa phương và phát triển du lịch phân tích, trên thế giới có nhiều đặc sản mà chỉ cần nhắc đến thì người ta lập tức liên tưởng ngay đến nơi sản xuất ra của chúng (vùng, miền hoặc cả quốc gia) như: rượu vang Bordeaux (Pháp), vịt quay Bắc Kinh (Trung Quốc), thịt bò Kobe (Nhật), sô-cô-la Thụy Sĩ, xì gà Cuba... Sản phẩm nổi tiếng sẽ có khả năng kéo theo sự quan tâm của công chúng đến nơi sản sinh ra nó, khiến người ta yêu mến tất cả những gì thuộc về nơi này. Đây cũng chính là gợi ý cho việc dùng các sản phẩm có sẵn tiếng tăm để xây dựng thương hiệu địa phương (thành phố, quốc gia).
Hiện tại, việc thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác phát triển, nhưng cũng đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng đổi mới sáng tạo. Song song đó, doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và xem đây chính là lợi thế cạnh tranh bền vững, khẳng định vị trí tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Bài 2: Bắt nhịp xu hướng phát triển sản xuất bền vững